Tham thì thâm
Mới đây, TAND tỉnh đã lần lượt đưa ra xét xử 2 vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc làm giả hồ sơ xin hỗ trợ nhiên liệu đánh bắt xa bờ.
Bị cáo Ngô Thị Hoa và 7 đồng phạm tại phiên tòa ngày 30.9 vừa qua.
Đứng trước Hội đồng xét xử tại phiên tòa sơ thẩm vào ngày 30.9.2019 là 8 bị cáo, hầu hết trú ở huyện Hoài Nhơn. Sau hơn tiếng đồng hồ nghe bản cáo trạng của vị đại diện Viện Kiểm sát tỉnh, nhiều bị cáo cúi đầu hối lỗi, có người ngượng ngùng. Riêng bị cáo Ngô Thị Hoa (SN 1972) thì vẫn “lạnh tanh”, vô cảm. Nếu như với 7 bị cáo còn lại, đây là lần đầu tiên phải ra trước pháp đình thì Hoa đã nhiều lần dính đến pháp luật, và đây là lần thứ 2 bị đưa ra xét xử. Lần đầu vào tháng 1.2016, Hoa đánh người gây thương tích, bị CA huyện Hoài Nhơn khởi tố vụ án, song do người bị hại rút đơn nên cơ quan điều tra đình chỉ vụ án. Sau đó, Hoa tiếp tục tham gia mua bán trái phép vật liệu nổ, bị xử phạt 2 năm tù. Với “bề dày” những việc làm sai trái như thế, không có gì ngạc nhiên khi trong vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” này, Hoa dù là nữ, nhưng lại là đối tượng chủ mưu, cầm đầu.
Theo cáo trạng, lợi dụng mối quan hệ quen biết với một số người trong các cơ quan chức năng, Hoa và 7 đối tượng trong vụ án này đã cấu kết với nhau cùng làm khống hàng trăm bộ hồ sơ xin hỗ trợ nhiên liệu đánh bắt xa bờ cho ngư dân ở huyện Hoài Nhơn và huyện Phù Mỹ. Từ năm 2012 đến năm 2016, Ngô Thị Hoa đã giúp 183 chủ tàu cá làm hồ sơ khống, chiếm đoạt của Nhà nước 37,762 tỷ đồng. Mỗi bộ hồ sơ khống như thế, Hoa nhận tiền “bồi dưỡng” hoặc ăn chia tỷ lệ, từ 10 đến 30 triệu đồng. Thấy Hoa “ăn nên làm ra”, nhiều người khác cũng tham gia làm theo, với nhiều mức độ khác nhau, trong đó có 7 bị cáo trong vụ án này. Họ vốn là những ngư dân, chủ những chiếc tàu cá, điều kiện kinh tế không phải quá khó khăn hay thiếu thốn gì, song chỉ vì lòng tham làm mờ mắt, lúc đầu còn e dè, sợ sệt, vài lần trót lọt thì thành quen, từng bước lún vào con đường sai phạm. Lúc đầu chỉ có vài ngư dân nghe theo lời xúi dục của Hoa và 7 đối tượng trên làm các bộ hồ sơ khống, chỉ việc ở nhà mà hưởng tiền hỗ trợ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng/mỗi chuyến đi biển. Sau đó, thấy những người này “bỗng nhiên” khấm khá, nhiều ngư dân khác chủ động tìm đến Hoa và đồng bọn nhờ làm hồ sơ khống để được nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước. Khi sự việc vỡ lở, tất cả họ đã tự giác nộp lại số tiền hơn 31 tỷ đồng. Liên quan đến vụ lừa đảo này, Cơ quan điều tra đã thu hồi được hơn 35,5 tỷ đồng trả lại ngân sách Nhà nước.
Trước đó vào cuối tháng 7.2019, hai “chiến hữu” của Hoa là Lê Văn Vân (SN 1973, trú huyện Phù Mỹ) và Trần Thiện Khiêm (SN 1975, trú huyện Hoài Nhơn) chuyên làm khống hồ sơ hỗ trợ nhiên liệu đã bị lãnh án tổng cộng 14 năm tù cũng về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Riêng với vụ án này, bản án nghiêm khắc của Hội đồng xét xử dành cho bị cáo Ngô Thị Hoa là 10 năm tù, 7 đồng phạm còn lại nhận lãnh mức án từ 18 tháng đến 9 năm tù.
Vụ án đã khép lại.
Tuy nhiên từ thực tế vụ việc, thiết nghĩ các cấp chính quyền, các ngành chức năng cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nhiều hơn cho người dân, nhất là ở những địa bàn tuyến biển, để tránh tái diễn những sự việc tương tự.
MINH NGỌC