Cùng nhau khắc phục hậu quả lũ lụt
Vượt qua những mệt mỏi, mất mát, đau thương, nơi dòng nước lũ vừa rút đi, nhà nhà, người người đang tích cực dọn dẹp, tương trợ nhau cùng ổn định cuộc sống.
Những ngày này, dòng nước bạc vẫn là nỗi ám ảnh với toàn thể người dân trong tỉnh. Thế nhưng, không có nhiều thời gian cho tiếc nuối, đau buồn, tại những nơi nước đã rút, bà con nhanh chóng tiến hành lau dọn, dội rửa đồ đạc, sửa sang lại cơ ngơi. Gượng dậy bằng nội lực, người vùng lũ tương trợ nhau để bước đầu ổn định cuộc sống, khắc phục hậu quả. Tinh thần “tương thân tương ái” tự ngàn đời lại sống động, rõ nét ngay trong những hoàn cảnh đang khó khăn.
Gắng gượng
Không bị hỏng hóc về nhà cửa, nhưng bà Trần Thị Hương, 76 tuổi, ở thôn Phú Hòa, xã Tây Xuân, huyện Tây Sơn lại bị cuốn trôi phần tài sản ít ỏi chắt chiu sau mùa vụ. Xót của, xót công sức, bà rảo khắp trong nhà, ngoài sân, cố nhặt nhạnh những hạt lúa vương vãi. Trong lúc đó, con cháu bà đang tất bật sắp xếp lại nhà cửa. Khoảng sân ngổn ngang nào chén, giường, bàn ghế, nồi niêu… còn sót lại đang chờ được đặt vào chỗ cũ.
Ngôi nhà tạm dựng bằng tôn của hai chị em anh Trương Minh Nhựt (28 tuổi, tổ 2, khu vực 2, phường Nhơn Phú, TP Quy Nhơn) nằm sát bên dòng sông Hà Thanh không tránh khỏi ảnh hưởng của cơn lũ dữ tràn về. Trở về nhà khi nước lũ đã rút, vợ chồng anh và người chị gái nhận không ra ngôi nhà nhỏ. Mái nhà đã trôi đi một nửa, lớp bùn non dày gần 10cm. Quần áo, giường chiếu, bếp núc… lẫn trong bùn đất.
“Đẩy hết bùn đi là cả nhà đã mệt lả. Được ba mẹ cho tấm tôn nhỏ, chúng tôi lợp lại mái. Nước rút nhưng nỗi lo nước lại dâng vẫn còn. Nhà nằm sát bờ sông, xung quanh có nhiều bụi rậm, tre trúc… nên cứ về đêm là tôi lại nơm nớp lo lắng rắn, rết bò lên”, anh Nhựt thở dài chia sẻ với chúng tôi. Buổi sáng khi chúng tôi ghé nhà, anh vẫn đang phát dọn mấy bụi tre quanh nhà.
“Lá rách ít đùm lá rách nhiều”
Anh Lê Văn Hiếu (46 tuổi, ở khối 3, thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn) bị lũ cuốn trôi mất căn nhà và vật dụng bên trong. Đứng bần thần trên nền nhà chỉ còn sót lại một ít tường gạch và 1 bên mái ngói, anh Hiếu rầu rĩ nói: “Tiền vay để xây dựng ngôi nhà này gia đình tôi vẫn chưa trả hết. Giờ chỉ còn vài cái cột, kèo gãy khúc như thế này thì biết đến khi nào có tiền cất lại. Tạm thời, gia đình tôi đang ở tại lán do bà con dựng tạm bằng tôn trong sân nhà hàng xóm”.
Ông Ngô Trường Trước, Trưởng ban công tác dân vận khối 3, thị trấn Bồng Sơn, cho biết: “So với 11 khối trên địa bàn, khối 3 chịu nhiều thiệt hại nhất vì có đến 22 nhà bị ngập, 1 nhà sập hoàn toàn. Hộ anh Hiếu thuộc diện khó khăn. Cả gia đình sống dựa vào những cuốc xe ba gác của anh. Thương gia cảnh anh, bà con trong khối đã đứng ra giúp đỡ trong lúc chờ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành. Tình nghĩa làng xóm được thắt chặt hơn”.
Không chỉ hỗ trợ nhau dựng lại nhà ở, sáng 18.11, nhiều hộ dân và thanh niên trong khối Trung Lương, thị trấn Bồng Sơn còn giúp 11 hộ dân đắp bao cát, phủ bạt nhựa dựng lại bờ ao, để sớm thả số cá lóc đã được thu gom trước đó.
Tại xã Mỹ Chánh, nơi thiệt hại lớn nhất của huyện Phù Mỹ với 2 ngôi nhà bị sập hoàn toàn, 10 ngôi nhà tốc mái, người dân cũng chung tay chia sẻ những mất mát, thiệt hại. Ông Trần Văn Sang, Chủ tịch UBND xã Mỹ Chánh, cho biết: “Nước vừa rút, dân quân, thanh niên địa phương đã chia nhau giúp bà con khắc phục thiệt hại. Đến nay, 10 ngôi nhà tốc mái đã được lợp lại. Những hộ không có khả năng mua tôn mới đều được bà con cho mượn tôn. Riêng hộ anh Đồng Văn Cường (ở thôn Đông An) nhà bị sập hoàn toàn đã được hàng xóm cùng nhau giúp dựng lại nhà mới. Những khó khăn bước đầu nhờ thế mà vơi đi phần nào”.
NGUYỄN MUỘI