Gà cùng một mẹ...
Buổi xử án diễn ra từ đầu giờ chiều, đến khi đèn trong khán phòng được bật sáng vì nắng chiều đã tắt, phiên tòa vẫn chưa thể đi đến hồi kết. Tình nghĩa chị em ruột thịt, anh em cột kèo gắn bó cật ruột hơn nửa đời người, nhưng qua nhiều năm tranh chấp, thưa kiện nhau, đã giá lạnh hơn tiền…
Nguyên đơn là vợ chồng người chị trình bày: Năm 2007, nhân dịp về quê kiếm người làm thêm, nghe họ hàng phía người em rể mách nước, vợ chồng tôi ở Gia Lai về mua đất lập trang trại nuôi bò sữa ở Nhơn Tân (thị xã An Nhơn) với giá gần 500 triệu đồng. Vì không đủ tư cách pháp nhân để vay tiền ngân hàng tại tỉnh Bình Định, nên sau khi giao đủ tiền cho bên sang nhượng, vợ chồng tôi đã nhờ vợ chồng người em gái đứng tên của bên được sang nhượng; sau đó nhờ đứng tên làm sổ đỏ, làm hợp đồng thế chấp vay ngân hàng 500 triệu đồng. Vợ chồng tôi không những đã trả gốc, lãi được trên 300 triệu đồng cho ngân hàng, mà còn bỏ tiền để đầu tư nuôi bò sữa, trồng bạch đàn, đào ao nuôi cá.
Bị đơn là người em rể thừa nhận: Tiền sang nhượng trang trại là của vợ chồng chị vợ, nhưng lúc đó anh rể nói anh em làm chung, tiền bạc để đó anh lo, có gì tính sau. Tôi là người trực tiếp làm hợp đồng vay với ngân hàng. Sau khi vợ tôi sinh nở, vì kinh tế khó khăn nên tôi đã xuống nói với ngân hàng để cho vợ chồng anh rể trả nợ vay ngân hàng. Sau khi xảy ra tranh chấp, anh rể bỏ trang trại về Gia Lai. Từ tháng 8.2009 đến nay tôi tiếp quản, đầu tư thêm một số hạng mục mới như xây hai trại nuôi heo, đào giếng…
Án sơ thẩm tuyên trang trại thuộc quyền sở hữu của người em rể. Vợ chồng người chị kháng cáo. Phiên phúc thẩm, phía bị đơn chỉ có người em rể cùng với luật sư. Phía nguyên đơn có thêm một vài người nữ nữa, hình như là chị em. Người chị nói: “Cũng vì thương em gái khổ cực nên tôi mới mua trang trại để nó quản lý, làm giúp mình”. Anh rể tiếp lời: “Cha mất sớm, vợ chồng tôi nuôi em gái, gả chồng cho em, rồi tạo dựng giúp nó…”. Người em rể cắt ngang lời anh: “Anh đừng có nói vậy, bao năm tôi làm, anh trả cho tôi đồng nào…”. Phiên tòa căng thẳng vì cả nguyên đơn, bị đơn đều có những lời lẽ xúc phạm nhau.
Hội đồng xét xử hỏi: “Cuối cùng, trang trại là của ai?”. “Là của tôi”, cả bị đơn, nguyên đơn đều một câu trả lời. Vị thẩm phán nhận xét: “Cái chuyện hợp tác anh - em của gia đình ông chỉ càng làm rối thêm cho xã hội. Đã qua mấy phiên tòa rồi mà vẫn chưa xong. Nào là bò sữa, nào mì, bạch đàn, cá… rối như mớ bòng bong, giờ gỡ sao cho ra. Tình sinh tệ là ở chỗ đó. Trang trại là của ai thì chính người trong cuộc các anh biết rõ. Nếu như hồi đó, vợ chồng anh chị lập giao kèo rồi nhờ chính quyền địa phương xác nhận vợ chồng người em đứng tên hộ, còn quyền sở hữu, định đoạt là của mình thì sự việc đâu khó xử như ngày nay”.
Cuối giờ chiều, xét thấy một số tình tiết cần được làm rõ thêm nên vị đại diện VKS giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị tạm dừng phiên tòa để thỉnh thị ý kiến cấp trên. Hội đồng xét xử yêu cầu nguyên đơn - bị đơn quay lại vào tuần sau để tiếp tục xét xử.
Ngày cùng nhau hợp tác làm ăn, chắc chẳng ai trong số họ nghĩ đến kết cục “nồi da xáo thịt” như thế này.
NGUYỆT THU