Quy hoạch mạng lưới trường, lớp tại huyện Tuy Phước: Thận trọng & chắc chắn
Thực hiện Nghị quyết số 28/2013/NQ-HÐND của HÐND tỉnh về quy hoạch trường, lớp học bậc mầm non và phổ thông của ngành GD&ÐT tỉnh Bình Ðịnh đến năm 2020, huyện Tuy Phước đã đạt được một số kết quả như: Ðảm bảo mỗi xã, thị trấn có 1 trường mầm non công lập, sáp nhập một số cơ sở trường lớp để tinh gọn bộ máy làm việc, nâng cao chất lượng dạy và học.
Hiện tại, huyện Tuy Phước có 14 trường mầm non, 26 trường tiểu học, 13 trường THCS, ngoài ra còn có 5 trường THPT thuộc sự quản lý của Sở GD&ĐT, đảm bảo nhu cầu đến lớp của con em trên địa bàn.
Thực hiện theo lộ trình cụ thể
Để đạt chuẩn mỗi xã có 1 trường mầm non công lập theo Nghị quyết, từ năm học 2012 - 2013 đến năm học 2014 - 2015, huyện lần lượt chuyển trường mầm non bán công ở các xã, thị trấn sang công lập, trong đó năm học 2012 - 2013 chuyển 5 trường, năm học 2013 - 2014 chuyển 7 trường, năm học 2014 - 2015 chuyển 2 trường.
Trường Mầm non Phước An có 2 bếp ăn, cơ sở vật khang trang, đáp ứng nhu cầu gửi trẻ của phụ huynh.
Đối với cấp tiểu học, huyện bắt đầu thực hiện tinh giản biên chế và sáp nhập từ ngày 1.9.2019. Theo đó, năm học 2019 - 2020, huyện giảm 4 trường tiểu học. Cụ thể, sáp nhập Trường Tiểu học số 2 Phước An và Trường Tiểu học số 3 Phước An lấy tên Trường Tiểu học số 2 Phước An; sáp nhập Trường Tiểu học số 1 Phước Hiệp và Trường Tiểu học số 3 Phước Hiệp lấy tên Trường Tiểu học số 1 Phước Hiệp; sáp nhập Trường Tiểu học số 1 Phước Thuận và Trường Tiểu học số 3 Phước Thuận lấy tên thành Trường Tiểu học số 1 Phước Thuận; tách trường Trường Tiểu học Hòa Thắng sáp nhập vào Trường Tiểu học số 2 Phước Hòa và Trường Tiểu học số 2 Phước Thắng.
Theo ông Trần Hữu Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, thì: Huyện tính toán rất kỹ, tránh trường hợp sáp nhập cơ học. Theo đó, sau khi sáp nhập đảm bảo không có trường nào quá 30 lớp, giảm cán bộ quản lý và lực lượng lao động gián tiếp, dù vậy huyện cố gắng sắp xếp để cơ bản tạo được sự hài hòa, đồng thuận. Ở những nơi mà sau sáp nhập dư 1 hiệu trưởng như ở Phước An, Phước Thuận, chúng tôi chuyển về trường khác thay cho hiệu trưởng nghỉ hưu, nơi thuận lợi thì sắp xếp phó hiệu trưởng lên thay. Cũng có đồng chí xin nghỉ hưu sớm vì lý do sức khỏe nên về yếu tố các vị trí lãnh đạo tương đối ổn.
Ông Tường cho biết thêm: Ngoài cấp mầm non và tiểu học, năm học 2016 - 2017, huyện sáp nhập Trường THCS Hòa Thắng và Trường THCS Phước Hòa lấy tên là Trường THCS Phước Hòa, cơ bản đảm bảo mỗi xã, thị trấn có một trường THCS, đảm bảo số lượng lớp học/trường. Riêng xã Phước Sơn có diện tích lớn, địa bàn rộng nên có 2 trường THCS. Đồng thời, nâng số học sinh/lớp ở cấp tiểu học và THCS để dành biên chế cho bậc mầm non vì nhu cầu gửi trẻ mầm non rất lớn, dù vậy vẫn đảm bảo theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Nâng cao chất lượng giáo dục
Ngoài việc đảm bảo mỗi xã có một trường mầm non công lập, huyện còn đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng bếp ăn, thực hiện dạy bán trú để nuôi dạy trẻ tốt hơn và giải quyết được lao động nông nhàn. Đến nay, 100% trường mầm non công lập ở Tuy Phước đã thực hiện bán trú, có những trường xây dựng 2 bếp ăn, đảm bảo việc đưa cơm đến các lớp ở điểm lẻ. Bên cạnh đó, huyện còn khuyến khích mở các cơ sở mầm non ngoài công lập nhằm giải quyết nhu cầu gửi trẻ của người dân.
Cô Nguyễn Thị Hiệp, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Phước An, chia sẻ: Trường có 1 điểm chính cùng 6 điểm lẻ, năm 2014 - 2015, sau khi chuyển từ trường bán công sang công lập, nhà trường được đầu tư xây dựng bếp ăn bán trú. Ngoài bếp ăn ở điểm trường chính, chúng tôi cũng có 1 bếp ăn ở điểm trường An Hòa, nhờ vậy sức khỏe, dinh dưỡng của trẻ được kiểm soát tốt.
Ông Nguyễn Quốc Việt, Hiệu trưởng Trường Tiểu học số 2 Phước Hòa, cho biết: Năm học 2019 - 2020, trường có 26 lớp, trong đó có 1 lớp tăng tự nhiên và 5 lớp tăng do sáp nhập với Trường Tiểu học Hòa Thắng, đồng thời sau khi sáp nhập trường tăng thêm 1 điểm lẻ, nâng tổng số điểm lẻ lên 4 điểm. Để thực hiện quy hoạch, từ năm 2013 đến 2019 trường được đầu tư, xây sửa cơ sở vật chất, mua mới nhiều trang thiết bị dạy học nên sau khi sáp nhập học sinh có điều kiện học tập, hoạt động đầy đủ hơn.
Quyền Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tuy Phước, ông Vương Tử Nghị nhìn nhận: Đến nay việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp tại huyện Tuy Phước khá ổn thỏa, sau khi sáp nhập đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ, nâng cao chất lượng học tập, sinh hoạt của học sinh. Đồng thời, huyện còn quy hoạch dành quỹ đất để tương lai mở rộng, tiếp tục phát triển giáo dục, xây dựng các hoạt động rèn luyện kỹ năng theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.
THẢO KHUY