Ðiểm tựa vững chắc của ngư dân
Nhiều năm qua, Trạm giám sát hoạt động tàu cá (còn gọi là Trạm bờ) đặt tại Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT) đã trở thành điểm tựa giúp ngư dân vững tin vươn khơi bám biển.
Năm 2008, Trạm bờ được thiết lập với nhiều trang thiết bị chuyên dụng, đủ khả năng kết nối thông tin với tàu cá hoạt động trên các vùng biển xa để thực hiện chức năng phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) qua tần số 7903 KHz. Đến năm 2010, Nhà nước có chính sách hỗ trợ nhiên liệu cho ngư dân khi hoạt động đánh bắt xa bờ và hỗ trợ thiết bị VX-1700 (thiết bị liên lạc bằng sóng HF tầm xa tích hợp định vị vệ tinh GPS) cho ngư dân lắp đặt trên tàu đánh bắt xa bờ để nhắn tin về Trạm bờ với tần suất 2 giờ/lần theo quy định nhằm truy xuất vị trí tàu cá làm căn cứ thực hiện chính sách hỗ trợ cho ngư dân, vị trí của Trạm bờ càng thêm quan trọng.
Cán bộ Chi cục Thủy sản trực Trạm bờ để tiếp nhận thông tin tàu cá của ngư dân trong tỉnh.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Võ Đình Tâm cho biết: Khi tiếp nhận các bản tin dự báo bão, áp thấp nhiệt đới, Trạm bờ sẽ phát thông tin, hướng dẫn ngư dân tìm nơi tránh trú an toàn nhờ kết nối qua máy VX-1700, máy bộ đàm được lắp đặt trên tàu cá của ngư dân. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng kiểm đếm, thống kê số lượng tàu thuyền của tỉnh để báo cáo Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh. Ngoài Trạm bờ chính đặt tại Chi cục, tỉnh cũng lắp đặt thêm trạm thu phát tín hiệu tại huyện Hoài Nhơn để phục vụ công tác PCTT&TKCN.
Nhiều năm trực Trạm bờ, anh Nguyễn Văn Tiên, Phó trưởng Phòng Khai thác - Phát triển nguồn lợi thủy sản (Chi cục Thủy sản tỉnh) vẫn nhớ mãi trường hợp một tàu cá bị chìm khi hoạt động tại quần đảo Trường Sa vào năm 2016. 12 ngư dân gặp nạn lênh đênh trên biển suốt 36 giờ bằng thuyền thúng trong điều kiện có áp thấp nhiệt đới. Sau khi nhận được tin, Trạm bờ nhiều lần liên lạc với các tàu hoạt động gần khu vực, và cuối cùng cũng tìm thấy một tàu cá ở Hoài Nhơn ở gần đó và họ đã cứu được 12 ngư dân bị nạn.
Ngồi kế bên, anh Đào Nhật Thủy, cán bộ trực Trạm bờ, góp chuyện: “Ngày thường chỉ cần 1 người trực, nhưng mùa mưa bão thì phải 2 người cùng trực để thông báo tình hình thời tiết, tiếp nhận thông tin từ tàu cá để báo cáo. Trung bình mỗi ngày Trạm bờ tiếp nhận từ 8.000 - 10.000 tin nhắn các tàu cá gửi về, cao điểm có ngày hơn 13.000 tin nhắn”.
Ngư dân Trần Quốc Toàn, ở xã Tam Quan Bắc, huyện Hoài Nhơn, chủ tàu cá BĐ 95613 TS, bộc bạch: “Tàu cá khi hoạt động trên biển rất dễ xảy ra các sự cố, như: Tàu hỏng máy, ngư dân gặp tai nạn, ốm đau bệnh tật… Lúc đó ngư dân sẽ liên lạc về Trạm bờ hoặc hệ thống Đài thông tin duyên hải để nhờ hỗ trợ. Trạm bờ thực sự là điểm tựa vững chắc để ngư dân chúng tôi vững tin bám biển đánh bắt hải sản, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.
Toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên hoạt động tại vùng khơi; trong đó có 2.200 tàu được hỗ trợ lắp đặt thiết bị VX-1700. Ngoài máy VX-1700 được hỗ trợ, ngư dân đã chủ động trang bị máy ICOM, bộ đàm 12, 24 băng tần để nắm bắt thông tin cảnh báo thời tiết xấu trên biển nhằm chủ động phòng ngừa. Ngư dân Bùi Thanh Ninh, chủ đội tàu 12 chiếc đánh bắt xa bờ, cho biết: “Hằng ngày, cứ 8 giờ sáng và 16 giờ chiều là tôi mở máy ICOM tại nhà liên lạc với thuyền trưởng các tàu của mình để thông tin tình hình thời tiết, ngư trường, giá thủy sản, rồi hỏi thăm sức khỏe anh em, động viên họ bám biển, không được vi phạm vùng biển nước ngoài. Thuận tiện như thế nhưng với những chuyện cấp thiết, mình vẫn phải nhờ đến Trạm bờ. Thông tin của họ nhiều hơn, năng lực kỹ thuật của họ cao hơn, chuyên môn của họ lại tốt. Ngư dân không thể yên tâm ra khơi khi không kết nối được với Trạm bờ”.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN