Nghề chế biến nước mắm ở Hoài Hải
Cả xã Hoài Hải, huyện Hoài Nhơn, hiện có hơn 100 hộ làm nghề chế biến nước mắm, tập trung chủ yếu ở thôn Diêu Quang. Bình quân mỗi hộ chế biến từ 30 - 40 lít nước mắm/ngày. Sản phẩm nước mắm của xã ngoài cung cấp cho thị trường trong tỉnh còn bán tại TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội…
Ngoài nguyên liệu cá cơm được mua gom tại địa phương, các hộ sản xuất nước mắm ở Hoài Hải còn mua nguyên liệu tại xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn), các địa phương khác, như: Cam Ranh (tỉnh Khánh Hòa), Cà Ná (Bình Thuận).
Một hộ gia đình làm nghề chế biến nước mắm ở thôn Diêu Quang, xã Hoài Hải.
Ông Lê Hồng Quang, một hộ làm nghề chế biến nước mắm ở thôn Diêu Quang, cho hay: “Thường thì tháng 2 âm lịch hàng năm là cá cơm xuất hiện nhiều, lúc đó tôi gom mua để muối mắm. Ngoài làm nước mắm cá cơm tinh chất, tôi còn làm thêm nước mắm cá nục. Trung bình mỗi tháng, gia đình tôi sản xuất từ 300 - 400 lít nước mắm; cả nhà 4 người làm, tính ra thu nhập cũng được từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng”.
Với hơn 30 năm làm nghề chế biến nước mắm, mỗi năm bà Nguyễn Thị Đến, cũng ở thôn Diêu Quang, có thu nhập hơn 50 triệu đồng từ nghề này. Vào thời điểm có cá nhiều, bà Đến phải thuê thêm 5 lao động để vận chuyển cá, muối về nhà, riêng việc muối mắm vẫn do bà Đến trực tiếp đảm nhận. “Chừng 1 tạ cá khi muối sẽ cho ra khoảng 40 lít nước mắm, khoảng 6 tháng là có sản phẩm để bán. Năm nào cá nhiều thì tôi làm khoảng 1.000 - 1.500 lít nước mắm, bán với giá từ 30.000 - 60.000 đồng/lít tùy theo loại”, bà Đến cho hay.
Toàn xã Hoài Hải có hơn 1.700 hộ, người dân chủ yếu sinh sống bằng nghề khai thác và nuôi trồng thủy sản, ngoài ra, nghề chế biến nước mắm cũng mang lại thu nhập cho người dân, góp phần phát triển KT-XH, xây dựng nông thôn mới. Toàn xã có 201 tàu đánh bắt xa bờ, hơn 30 ha ao, hồ nuôi tôm nước lợ. Từ nhiều nguồn vốn khác nhau, xã đầu tư hơn 67,7 tỷ đồng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới và về đích trong năm 2018. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm còn 4,2%, thu nhập bình quân đạt 38 triệu đồng/người/năm.
Ông Phạm Đình Nhanh, Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Hải, cho biết: Để tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, xã định hướng từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình hỗ trợ người dân phát triển sản xuất như: Nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi cua thương phẩm; đánh bắt cá ngừ đại dương theo công nghệ Nhật Bản. Riêng nghề chế biến nước mắm là nghề truyền thống có từ lâu đời ở địa phương, xã sẽ hỗ trợ người dân phát triển nghề này và định hướng đề nghị xây dựng nhãn hiệu tập thể nhằm góp phần tăng hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm, thương hiệu nước mắm Hoài Hải trên thị trường.
ĐOAN NGỌC