Tìm giải pháp hỗ trợ ngư dân vươn khơi
(BĐ) - Sáng 6.11, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV bắt đầu phiên chất vấn kéo dài 3 ngày. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường là người đầu tiên lên “ghế nóng”.
Đại biểu (ĐB) Lê Công Nhường (Đoàn Bình Định) tiếp tục quan tâm đến những bất cập trong thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.
ĐB Lê Công Nhường tham gia chất vấn sáng 6.11.
“Có ngư dân đi tiên phong thực hiện nhưng trắng tay, lâm cảnh nợ nần. Ở Bình Định có ngư dân cùng đường phải vay tín dụng đen, phải bỏ trốn, gia đình tan nát. Bộ trưởng có biện pháp gì để hỗ trợ những ngư dân tiên phong với Nghị định 67 hiện nay đã là “con nợ xấu”?”, ĐB Nhường đặt vấn đề.
Dẫn Báo cáo kết quả đánh giá trữ lượng nguồn lợi hải sản vùng biển Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015, ĐB Lê Công Nhường cho biết trữ lượng trung bình ước tính của giai đoạn này là 4,36 triệu tấn, giảm 14% so với giai đoạn 2000 - 2005.
Tổng lượng khai thác hải sản khoảng 3,1 triệu tấn từ tháng 7.2014 đến tháng 6.2015 đã vượt khả năng cho phép khai thác trung bình để tái tạo bền vững là 2,45 triệu tấn.
“Đâu là giải pháp để giải quyết bài toán dư thừa công suất khai thác của tổng tàu thuyền trên cả nước”, ĐB Nhường hỏi.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Nghị định 67 được ban hành nhằm hỗ trợ ngư dân ra khơi, đảm bảo phát triển kinh tế cũng như an ninh quốc phòng trong bối cảnh vùng biển đang có nhiều vấn đề.
Chính phủ hỗ trợ trang thiết bị tàu, ngư cụ, các phương tiện đánh bắt để ngư dân yên tâm ra khơi. Kết quả, đến nay đã phát triển được hơn 1.000 tàu; nhưng có 358 tàu đóng mới gặp nhiều vấn đề, gây khó khăn cho ngư dân.
Với 55 chiếc tàu đang nằm bờ, Bộ trưởng chỉ ra các nguyên nhân chính: do đánh bắt không hiệu quả, chủ tàu đã chết, một số chủ tàu không có điều kiện hoạt động, muốn chuyển đổi… Trước tình hình đó, Bộ NN&PTNT đã tham mưu và Thủ tướng đã có quyết sách, thay đổi phương thức đầu tư.
“Hiện nay có tâm lý ỷ lại nên sẽ không hỗ trợ tối đa như trước nữa. Ngư dân ai có tiềm lực thì ra khơi. Dân tự bỏ tiền ra mới khai thác hiệu quả được”, Bộ trưởng chia sẻ.
Người đứng đầu ngành Nông nghiệp cũng cho biết, Thủ tướng đã chỉ đạo 28 tỉnh, thành tổng kết Nghị định 67, lấy cơ sở để đưa ra quyết sách tiếp theo để khuyến khích ngư dân, chính sách nào không còn phù hợp sẽ dừng.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thừa nhận đang có thực trạng mất cân đối trong trữ lượng hải sản và sản lượng khai thác. Chủ trương của Chính phủ là trước mắt tập trung các giải pháp để hạn chế tình trạng này; khai thác đúng mức, tập trung chế biến, chuyển sang chăn nuôi, tìm các sinh kế mới cho người dân.
Liên quan đến vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho hay, tổng dư nợ qua thực hiện Nghị định 67 trên cả nước hiện nay là 10 nghìn tỷ đồng, trong đó nợ xấu chiếm 33%. Theo ông Hưng, cuối năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động báo cáo Thủ tướng để triển khai nhiều các biện pháp, chú trọng tính căn cơ, hiệu quả.
“Thời gian qua, Ngân hàng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho ngư dân, ưu tiên thu nợ gốc trước, nợ lãi thu sau. Tuy nhiên, trước tình hình nợ xấu tiếp tục phát sinh, tới đây chúng tôi sẽ phối hợp rà soát các trường hợp quá khó khăn để hỗ trợ, trường hợp nào ỷ lại sẽ kiên quyết thu hồi nợ”, ông Hưng khẳng định.
MAI LÂM