Tất bật sau lũ
Ðến ngày 18.11, nước lũ tại các khu dân cư trên địa bàn tỉnh đang rút dần; ở những nơi nước đã rút hết, người dân tất bật dọn dẹp nhà cửa, vớt vát những vật dụng, lương thực còn sót lại sau cơn lũ dữ.
Tranh thủ nước lũ rút, hàng chục ngàn hộ dân sinh sống trên địa bàn các huyện Tuy Phước, Vân Canh, An Lão, Phù Cát, Tây Sơn, thị xã An Nhơn… gấp rút triển khai công tác khắc phục hậu quả sau lũ.
1. Tại thị xã An Nhơn, sau nhiều ngày vật vã sống chung với mưa lũ, sáng 18.11, người dân trên địa bàn các phường Nhơn Hưng, Nhơn Hòa, Bình Định bắt đầu gượng dậy thu dọn đồ đạc, sửa sang lại nhà cửa, sớm ổn định cuộc sống, sinh hoạt và sản xuất.
Bà Võ Thị Hoa (52 tuổi, ở khu vực Tiên Hòa, phường Nhơn Hưng) tần ngần trên đống nhà đổ nát sau lũ rầu rĩ cho biết: “Nhà cửa sập hết rồi. Tài sản phía trong nhà cũng bị nước cuốn trôi. Tôi bây giờ rơi vào cảnh trắng tay…”. Đi thăm những gia đình thiệt hại nặng do lũ lụt, ông Ngô Văn Tân, Chủ tịch UBND phường Nhơn Hưng, cho biết: “Trước mắt địa phương động viên các gia đình thiệt hại vận động anh em, cùng bà con trong khối tự khắc phục là chính. Trong những ngày tới, thị xã sẽ có chính sách, phương án hỗ trợ về nhân công, vật lực cho bà con chịu thiệt hại nặng do mưa lũ”.
Về xóm Nam, khối Huỳnh Kim (phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn) chứng kiến cảnh người dân giúp nhau thu dọn đất đá, tháo dỡ tôn, gạch bị vỡ nát ngay từ tờ mờ sáng chúng tôi không khỏi xúc động. Vừa quai búa tháo dỡ mảng tường của gian phòng bị lũ cuốn trôi nham nhở, ông Trần Đình Quang cho biết: “Nhà bị sập nên công việc sản xuất của gia đình bị ngưng truệ. Sáng nay, tôi nhờ bà con trong xóm, thuê mướn thêm lao động về tháo dỡ tôn, các mảng tường, thu dọn đất đá tạm thời, sau đó mới tính tiếp”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Huỳnh Văn Lưu, Phó Chánh văn phòng thị xã An Nhơn, cho biết: “Chính quyền thị xã đang khẩn trương đi kiểm tra, nắm lại tình hình thiệt hại. Trước mắt, sẽ hỗ trợ lương khô, nước uống cho bà con tại các vùng lũ đang bị cô lập, chia cắt; các gia đình có nhà bị sập, chịu thiệt hại nặng do mưa lũ; kiên quyết không để bà con vùng lũ bị đói khát, không có chỗ ở trong những ngày này”.
2. Tại các xã khu Đông thuộc 2 huyện Tuy Phước và Phù Cát, ngay sau khi nước bắt đầu rút, những hộ dân phải di tản ở xã Cát Tiến, Cát Chánh (Phù Cát) và Phước Thắng, Phước Hòa (Tuy Phước) đã trở về nhà, khẩn trương dọn dẹp, sửa chữa nhà cửa và tìm mọi cách hong khô lượng lúa, gạo bị ngấm nước.
Chị Trần Thị Lựu, ở thôn Tư Cung, xã Phước Thắng buồn bã cho biết: “Nhà tôi làm đại lý thu mua lúa, gạo, đợt lũ vừa rồi, nước lên quá nhanh, không kịp di dời đi nơi khác nên 3 tấn gạo, 7 tấn lúa ngập chìm trong nước. Giờ tranh thủ nước vừa rút, chị thuê người đem lúa, gạo ra đường bê tông phơi mong vớt vát được chút nào hay chút đó”.
“Với phương châm “an cư mới lạc nghiệp”, ngay sau khi nước rút, UBND xã huy động các lực lượng tại chỗ cùng phối hợp với bà con nhân dân khắc phục, sửa chữa lại nhà cửa. Đặc biệt cán bộ ngành y tế nhanh chóng hướng dẫn bà con xử lý hàng ngàn giếng nước bị ngập, để có nước dùng. Trước mắt, chúng tôi cố gắng lo để bà con có chỗ ở an toàn, có đủ lương thực, thực phẩm để tạm ổn định các nhu cầu cơ bản”, ông Nguyễn Từ Thiện - Chủ tịch UBND xã Cát Tiến tâm sự.
3. Tại huyện Vân Canh, ngày 17.11, huyện chỉ đạo ngành y tế dùng Cloramin B sát khuẩn, xử lý nước sinh hoạt tại 300 giếng nước ở 2 xã Canh Vinh và Canh Hiển bị nước lũ tràn vào. Đồng thời, hướng dẫn lực lượng tại chỗ tiến hành công tác khắc phục các điểm sạt lở đất đá trên tuyến đường lên vùng cao Canh Liên. Hiện lực lượng xung kích của huyện cũng được lệnh ứng phó 24/24 giờ tại các nơi xung yếu, không cho người dân qua lại, nhất là người đồng bào dân tộc thiểu số, vận động người dân không ra suối vớt củi, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân. “Hiện nay, toàn huyện có hơn 3km hệ thống kênh mương nội đồng bị nước lũ san phẳng, huyện rất cần sự giúp đỡ từ các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn tỉnh và sự hỗ trợ từ phía tỉnh để khắc phục hậu quả do bão lũ gây ra”, ông Phạm Xuân Thành, Chánh văn phòng huyện Vân Canh, kiến nghị.
4. Còn tại huyện miền núi An Lão, công tác khắc phục hậu quả mưa lũ cũng đang được huyện khẩn trương tiến hành. Ông Nguyễn Trực, Chánh văn phòng huyện An Lão, cho biết: “Hiện nay, huyện đã vận động các doanh nghiệp để huy động và đưa phương tiện cơ giới (xe múc, xe ủi) khẩn trương thu dọn hơn 14.000 m3 đất đá, cây cối do sạt lở núi vùi lấp trên tuyến đường huyết mạch An Hòa - An Toàn; An Trung - An Vinh. Theo dự tính vào ngày 21.11, hệ thống giao thông tại 2 tuyến đường mới bắt đầu được khai thông. Bên cạnh đó, công tác thu dọn bùn đất, cành cây gãy đổ, quét dọn vệ sinh môi trường trên địa bàn các xã An Hòa, An Tân hay thị trấn An Lão đang được người dân cùng lực lượng đoàn viên thanh niên gấp rút thực hiện”.
5. “Ngay sau khi nước lũ rút, Huyện đoàn Tây Sơn phối hợp với các ngành chức năng của huyện và Tỉnh đoàn tiến hành dọn dẹp bùn đất tại các điểm bị nước lũ nhấn chìm như Trạm Y tế xã Tây Giang, Trạm Y tế thị trấn Phú Phong, Trường tiểu học Trần Quang Diệu, Trường mầm non Tây Sơn… Ngày 18.11, lãnh đạo huyện tiếp tục tới các khu vực bị nước lũ chia cắt để động viên bà con nhân dân khắc phục, sửa chữa nhà cửa ngay khi nước lũ rút với phương châm “nước rút đến đâu khắc phục đến đó” nhằm ổn định chỗ ở và sinh hoạt. Những ngày tới, cùng với việc cứu trợ những hộ gia đình bị thiệt hại do lũ, thì công tác giúp bà con khắc phục nhà cửa bị hư hại cũng được huyện hết sức chú trọng”, ông Nguyễn Chí Quang - Chánh Văn phòng UBND huyện Tây Sơn cho biết về công tác khắc phục mưa lũ tại địa phương.
NHÓM PV - CTV BÁO BÌNH ĐỊNH
Tăng cường phòng, chống dịch bệnh sau lũ lụt
(BĐ) - Ngày 18.11, Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Văn Trương đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường các hoạt động đối phó với dịch bệnh sau lũ lụt. Cụ thể, Trung tâm Y tế phối hợp với Phòng Y tế các huyện, thị xã, thành phố triển khai ngay các biện pháp giám sát dịch bệnh, nhất là các dịch bệnh đường ruột, sốt xuất huyết, tiêu chảy cấp nguy hiểm… Phải xử lý ngay ca mắc đầu tiên, không để lây lan thành dịch, không để xảy ra tử vong. Đồng thời, cung cấp thuốc sát trùng và hướng dẫn nhân dân cách sử dụng.
Các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh kịp thời ổn định các hoạt động, tổ chức tốt công tác khám, chữa bệnh, cấp cứu, điều trị bệnh nhân. Bên cạnh đó, phải tăng cường cán bộ chuyên môn hỗ trợ tuyến dưới để hướng dẫn các phác đồ xử trí, điều trị đúng các trường hợp bệnh như viêm đường hô hấp, tiêu chảy, hội chứng lỵ…
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác giám sát, phát hiện dịch, tập trung dập tắt ngay từ đầu, không để xảy ra dịch lớn và lan rộng.
NGUYỄN HOÀNG
Nhiều khu dân cư ở Tuy Phước vẫn còn chìm trong lũ
Đến chiều 18.11, nhiều khu dân cư ở huyện Tuy Phước vẫn còn chìm trong lũ. Các xã: Phước Nghĩa, Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa và Phước Thắng tiếp tục bị cô lập hoàn toàn, người dân chỉ có thể di chuyển bằng đò. Hơn 30.000 học sinh các cấp trên địa bàn huyện Tuy Phước phải nghỉ học và gần 20.000 công nhân ở các xã khu Đông của huyện Tuy Phước cũng không thể đến nơi làm việc vì bị nước lũ chia cắt. Tuyến xe buýt từ thị trấn Tuy Phước về các xã khu Đông của huyện Tuy Phước và xã Cát Tiến của huyện Phù Cát cũng chưa thể hoạt động trở lại.
XUÂN VINH
Hỗ trợ cho các gia đình có người mất và sập nhà sau lũ
(BĐ) - Ngày 18.11, Tỉnh đoàn phối hợp với đại diện Báo Tiền Phong đến thăm hỏi, tặng quà hỗ trợ cho 8 hộ gia đình có người thân bị chết, mất tích (1 triệu đồng/hộ) tại phường Nhơn Bình, Nhơn Phú (TP Quy Nhơn); Phước Quang (Tuy Phước); phường Nhơn Hưng, Nhơn Phú, Bình Định (thị xã An Nhơn). Ngoài ra, đoàn còn đến hỗ trợ 2 triệu đồng cho gia đình bà Võ Thị Hoa ở phường Nhơn Hưng có nhà sập hoàn toàn và 1 triệu đồng cho ông Ngô Văn Phúc, ở xã Phước Quang có nhà sập hoàn toàn.
Được biết, trong thời gian đến, 18 hộ gia đình có người bị thiệt mạng trong đợt lũ vừa qua sẽ được đoàn đến thăm và hỗ trợ với tổng số tiền 30 triệu đồng.
H.YẾN
Trải qua những trận Thiên tai không mong muốn như vậy mới thấy hết được nỗi Khổ của những người Nông dân 1 nắng 2 sương. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền địa phương Cần Hết Sức giúp đỡ những bà con nông dân vượt qua những cảnh khốn khó này để ổn định cuộc sống. Đó cũng là Trách nhiệm vừa là Nghĩa cử cao đẹp của Người Việt Nam.