Tập trung khôi phục sản xuất thủy sản
Sau bão số 5, ngành Thủy sản tỉnh phối hợp chính quyền các địa phương thống kê thiệt hại, vận động người dân tập trung khắc phục, ổn định sản xuất.
Tàu cá của ông Nguyễn Việt Hằng (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) bị va đập hư hỏng nặng.
Thống kê sơ bộ của ngành Thủy sản tỉnh, bão số 5 đổ bộ vào Bình Định làm 25 tàu cá của ngư dân trong tỉnh neo đậu ven bờ bị chìm, va đập hư hỏng nặng; 128 ha ao, hồ tôm nuôi quảng canh bị nước tràn bờ. Riêng TP Quy Nhơn thiệt hại nặng nhất với 22 tàu cá bị chìm; 1 bè/26 lồng nuôi cá trên biển của người dân KV9, phường Hải Cảng, 1 bè/10 lồng nuôi tôm hùm thương phẩm của người dân xã Nhơn Hải, Nhơn Châu bị sóng biển cuốn trôi; 20 ao nuôi tôm ở Nhơn Hội bị sạt lở bờ.
“Tôi đã chủ động đưa 3 tàu cá đánh bắt xa bờ neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn, nhưng bão vào, sóng gió quá mạnh làm trôi neo khiến 2 tàu vỏ gỗ bị va đập gây nứt be, dạt mũi tàu, vỡ hết dàn điện; còn tàu vỏ thép trôi tấp mắc cạn. Sau bão, tôi lại đưa tàu về neo đậu tại cảng và sửa chữa 2 tàu vỏ gỗ”, ngư dân Nguyễn Việt Hằng (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) cho biết.
Tàu cá BĐ 93415 TS của ngư dân Nguyễn Trung Lợi (xã Cát Hải, huyện Phù Cát) vừa mới được cải hoán, tăng chiều dài hơn 15 m để hoạt động vùng khơi theo quy định. Dù đã neo đậu tránh trú tại bến tàu ở địa phương, nhưng tàu vẫn bị hư hỏng do va đập. “Tàu bị trôi neo, mất ngư lưới cụ, bể nhiều chỗ nên phải đưa lên bờ sửa chữa chuẩn bị cho chuyến biển mới, chắc cũng khoảng vài chục triệu đồng”, ông Lợi chia sẻ.
Tại KV9, phường Hải Cảng, người dân nuôi thủy sản bằng lồng, bè trên biển cũng bắt tay sửa chữa và sản xuất trở lại sau bão. Anh Lê Văn Hưng, một hộ dân nuôi cá ở đây, cho hay: “Tôi có 6 bè/54 lồng nuôi gần 30.000 con cá chẽm, cá hồng, cá mú. Đợt bão vừa rồi làm 3 bè nuôi hư hỏng nặng, mất 10 lồng nuôi hơn 4.000 con cá chẽm, thiệt hại hơn 150 triệu đồng. Tôi đã sửa chữa lại lồng, bè để tiếp tục sản xuất và chuẩn bị thêm dây, neo để giằng cột lồng, bè phòng ngừa mưa bão sắp tới”.
Nhiều ao, hồ nuôi tôm (xã Nhơn Hội, TP Quy Nhơn) bị sạt lở bờ được gia cố bằng bao cát.
Tổn thất nặng nhất là hộ ông Hồ Văn Cơ khi bị sóng biển cuốn trôi mất toàn bộ lồng, bè nuôi cá với hơn 300 triệu đồng. “2 bè/12 lồng nuôi 100 con cá bớp trọng lượng khoảng 5 kg/con, 1.000 con cá chẽm chừng 500 - 600 g/con, chỉ sau một đêm bão mà thành ra tay trắng, mất sạch vốn liếng. Giờ chỉ mong nhà nước hỗ trợ tôi được vay vốn ưu đãi để gầy lại”, ông Cơ tâm tư.
Đưa chúng tôi ra vị trí chiếc thuyền của gia đình bị chìm đã được đưa vào bờ để sửa chữa, chị Nguyễn Thị Thanh Bảo (thôn Hội Tân, xã Nhơn Hội) buồn rầu nói: “Gia tài có chiếc thuyền đánh cá kiếm sống hàng ngày, bữa giờ phải nằm nhà. Hổm rày chồng tôi tháo máy thuyền chở vào Quy Nhơn để sửa”.
Kế bên là ao tôm của ông Đỗ Ngọc Hạnh (cũng ở thôn Hội Tân, xã Nhơn Hội) sạt lở nhiều chỗ đã được gia cố tạm bằng bao cát. Nhờ chủ động thu hoạch tôm trước bão, thiệt hại không đáng kể, nhưng ao nuôi nằm sát chân nước đầm Thị Nại nên không tránh khỏi sạt lở. Sắp tới, sẽ phải kiên cố bờ ao, cải tạo lại ao mới thả nuôi vụ mới được.
Theo ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh (Sở NN&PTNT), đơn vị đang phối hợp chính quyền các địa phương ven biển kiểm tra, thống kê chính xác tình hình thiệt hại để báo cáo Sở NN&PTNT, UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ thiệt hại do thiên tai cho ngư dân, người dân nuôi trồng thủy sản.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN