Công tác phòng cháy chữa cháy ở chợ Bồng Sơn: Hiệu quả từ nhiều giải pháp
Nhờ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cùng với trách nhiệm của Ban quản lý và nhất là ý thức của các tiểu thương, công tác PCCC tại chợ Bồng Sơn (Hoài Nhơn) được bảo đảm an toàn trong hơn 25 năm hoạt động.
Bình chữa cháy CO2 khô MFZ8 loại 7 kg; máy bơm chuyên dụng lắp đặt trên bể nước 50 m3 nằm ở giữa trung tâm chợ thường xuyên được kiểm tra và khởi động hàng ngày.
Trách nhiệm cao
Chợ Bồng Sơn được xây dựng và chính thức đưa vào sử dụng từ năm 1993 và được xem là chợ có quy mô lớn nhất trên địa bàn huyện Hoài Nhơn, đồng thời còn là trung tâm giao lưu thương mại của người dân các huyện phía Bắc tỉnh Bình Định. Chợ được thiết kế 778 lô, với tổng giá trị tài sản cố định và hàng hóa hiện tại ước tính đến nay trên 150 tỷ đồng. Sau hơn 25 năm hoạt động, mặc dù một số hạng mục chợ Bồng Sơn đã xuống cấp trầm trọng, nhất là hệ thống điện nội bộ, nhưng chưa để vụ cháy nổ lớn nào xảy ra. Kết quả đó là nhờ sự quan tâm của các cấp chính quyền, ngành chức năng, trong đó phải kể đến tinh thần trách nhiệm Ban quản lý (BQL) chợ cùng ý thức chấp hành nội quy của bà con tiểu thương trong giữ gìn trật tự kinh doanh và phòng chống cháy nổ.
Ông Võ Ngọc Ba, Trưởng BQL chợ Bồng Sơn, cho hay: “Những năm qua, BQL duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về PCCC trên hệ thống loa nội bộ để nhắc nhở, nâng cao ý thức cho bà con tiểu thương. Với phương châm “phòng là chính”, Ban luôn chủ động kiểm soát tình hình phòng chống cháy nổ trong khu vực chợ vào những giờ cao điểm, lúc tan chợ và những ngày nghỉ tết. Qua đó, đã phát hiện và kiên quyết xử lý hàng chục vụ việc sử dụng điện và lửa không an toàn có nguy cơ dẫn đến cháy nổ.
Điển hình, vào lúc 12 giờ 30 phút trưa ngày mồng 5 Tết âm lịch Kỷ Hợi vừa qua, tại sạp hàng tạp hóa của bà Hồ Thị T., dù bà đang trong thời gian nghỉ tết, các thiết bị điện sau đồng hồ tại lô hàng đều tắt nhưng do công tơ của bà đã sử dụng quá lâu dẫn đến chạm chập âm ỉ rồi bất ngờ bùng cháy, nhanh chóng lây lan qua các thiết bị khác trong quầy, mùi khét và khói đã bốc lên mù mịt. “Sự cố nguy hiểm này nếu như chúng tôi chủ quan trong những ngày nghỉ tết, không bố trí anh em trực ứng cứu xử lý kịp thời thì chắc chắn thiệt hại về của cải, tài sản từ đó gây ra sẽ không hề nhỏ”, ông Ba quả quyết.
BQL và 18 thành viên trong đội tự quản của chợ Bồng Sơn chia làm 3 ca, tăng tần suất trực lên 24/24 giờ để bảo vệ hàng hóa, kiên quyết đẩy đuổi các đối tượng lạ mặt, lang thang ẩn nấp ngủ nghỉ trong và các khu vực quản lý của chợ; kiểm tra từng sạp hàng, từng công tơ điện đảm bảo không để xảy ra các sơ suất về điện gây phát sinh nguồn cháy.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Hàng ngày đúng 20 giờ tối đến 5 giờ 30 phút sáng hôm sau, BQL chợ chủ động cắt toàn bộ hệ thống điện trong khu vực chợ, chỉ để lại đường dây bảo vệ, nếu phát hiện vi phạm về PCCC sẽ cắt điện quầy 10 - 15 ngày và có thể đình chỉ kinh doanh đối với những sạp hàng tái phạm sau khi đã nhắc nhở nhiều lần. BQL tham mưu và phối hợp với chính quyền, Đội cảnh sát PCCC&CHCN số 4 thuộc Phòng cảnh sát PCCC&CHCN CA tỉnh đóng tại thôn Bình Chương, xã Hoài Đức, đề ra những quy định ràng buộc về trật tự kinh doanh, đảm bảo PCCC, gắn lợi ích với trách nhiệm của các hộ tiểu thương tại chợ.
Chị Võ Thị Tuyết Hạnh, một tiểu thương kinh doanh áo quần may sẵn tại chợ Bồng Sơn, cho biết: “Từ vụ cháy chợ Mộc Bài (Hoài Ân) vừa rồi, bà con chúng tôi rất phập phồng lo lắng. Thấy tình cảnh của nhiều hộ kinh doanh bị thiệt hại hàng tỷ đồng nên luôn bảo ban nhắc nhở nhau, bởi nếu chỉ một người sơ suất thôi thì hậu quả sẽ không thể nào lường hết được. Chúng tôi đã thống nhất ký cam kết và tuân thủ các quy định về PCCC của BQL là tuyệt đối không thắp hương, không đưa các loại xe mô tô hoặc các loại bếp ga mini vào nơi buôn bán, không sử dụng các thiết bị điện mất an toàn, trước khi ra về đều nhắc nhau tắt toàn bộ công tắc điện và cầu dao”.
Ông Nguyễn Xuân Tú, Chủ tịch UBND thị trấn Bồng Sơn, cho biết thêm: “Những năm qua, ngoài việc thực hiện nghiêm các giải pháp và phương án PCCC của ngành chuyên môn cấp trên, địa phương đã chi từ ngân sách gần 4 tỷ đồng phục vụ cho công tác PCCC, cải tạo lại hệ thống điện, nước; kiên cố lại 9 dãy nhà lồng kinh doanh có lửa; các mặt hàng cá, hàng tươi sống, hàng khô; xây dựng một hồ nước ngầm và lắp đặt 1 máy bơm chuyên dùng ở giữa trung tâm chợ có dung tích 50 m3 và 4 hồ nước nổi ở 4 góc chợ, mỗi hồ 10 m3; trang bị 30 bình CO2 khô MFZ8 loại 7 kg cùng với các vật dụng, phương tiện PCCC khác như: Vòi vải, phuy cát di động cùng hàng trăm bình chữa cháy CO2 MFZ4 loại 3 kg của các hộ tiểu thương tự mua để tại các quầy hàng sẵn sàng ứng phó, dập tắt ngay khi có tình huống cháy đột xuất xảy ra”.
DIỆP BẢO SƯƠNG