Nâng cao chất lượng thủy sản nuôi trồng
ThS Lê Hồng Linh, phụ trách Trạm Nghiên cứu thực nghiệm KH&CN, thuộc Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN tỉnh cùng cộng sự đã nghiên cứu quy trình phân lập, tuyển chọn các chủng vi sinh bản địa để tạo ra một số chế phẩm vi sinh chất lượng cao, thích ứng tốt với môi trường.
Ứng dụng chế phẩm vi sinh tại hộ dân nuôi tôm ở thôn Cửu Lợi Bắc (xã Tam Quan Nam, huyện Hoài Nhơn) vào cuối tháng 10.2019.
ThS Lê Hồng Linh cho biết, quy trình công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học do nhóm nghiên cứu thực hiện có 7 bước từ hoạt hóa chủng giống gốc, nhân giống, lên men, thu sinh khối, phối trộn chất mang, sấy tạo sản phẩm sơ cấp cho đến hoàn thiện sản phẩm. Sau hai năm tiến hành, nhóm đã hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất 3 loại chế phẩm sinh học phục vụ nuôi trồng thủy sản ở quy mô nhỏ, bao gồm BIDI-AGRI (làm thức ăn bổ sung), BIDI-AQUA (xử lý ao nuôi) và BIDI-AQUA-KOI (xử lý môi trường ao nuôi cá Koi).
Năm 2018, Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN triển khai thử nghiệm 3 loại chế phẩm này tại một số hộ nuôi tôm của huyện Phù Mỹ; kết quả cho thấy tôm sinh trưởng phát triển nhanh. Nhớ lại quãng thời gian nuôi tôm dùng chế phẩm BIDI-AGRI trong 800 m2 ao nuôi, ông Ngô Thắng Trung (xã Mỹ Thành, huyện Phù Mỹ) phấn khởi khi thu được hơn 2 tấn tôm, gấp 30% - 40% lượng tôm thu được ở các ao nuôi không sử dụng chế phẩm này. “Chế phẩm BIDI-AGRI đã xử lý triệt để những bệnh liên quan đến đường ruột của tôm như bệnh phân trắng, phân lõm, phân đứt khúc, nhờ vậy tôm lớn rất nhanh. Một số loại chế phẩm vi sinh tương đương tôi từng mua giá 500 - 600 nghìn đồng/kg, còn BIDI-AGRI chỉ 80.000 đồng/kg. Quá hiệu quả, nên tôi sử dụng BIDI-AGRI cho tôm ăn thường xuyên. Chỉ mong sản phẩm sớm được đưa ra thị trường để người dân dễ mua hơn”, ông Trung bày tỏ.
Trong khi đó, 2 chế phẩm còn lại dùng để xử lý ao nuôi là BIDI-AQUA và BIDI-AQUA-KOI cũng đã cho kết quả thử nghiệm như mong đợi. Cá Koi nuôi cảnh có giá trị cao, đòi hỏi môi trường sống rất nghiêm ngặt, chất lượng nước phải đảm bảo thì cá mới sinh trưởng tốt và màu đẹp.
Với hồ cá Koi 40 con, trước đây, ông Hà Ngọc Tân (xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ) phải nhờ người quen mua chế phẩm vi sinh tận bên Nhật Bản về để nuôi cá. Năm 2018, bắt đầu sử dụng BIDI-AQUA-KOI “made in Bình Định”, ông nhận thấy cả hai loại đều cho hiệu quả như nhau trong khi giá của BIDI-AQUA-KOI lại “mềm” hơn rất nhiều. “BIDI-AQUA-KOI có tỷ lệ vi khuẩn có lợi trên 1 lít chế phẩm là 1 tỷ con, khiến tôi rất yên tâm, bởi hàng ngày lượng chất thải hữu cơ ra ao nuôi rất nhiều từ thức ăn thừa, tảo chết... dễ làm cho nguồn nước trong ao ô nhiễm nhanh. Thực tế sử dụng, BIDI-AQUA-KOI làm nước trong, cá dễ tiêu hóa và nhanh lớn”, ông Tân trao đổi.
ThS Nguyễn Thị Liên, Phó trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp (Sở NN&PTNT) khẳng định, các loại chế phẩm vi sinh do ThS Lê Hồng Linh cùng cộng sự nghiên cứu vượt trội, phù hợp với thực tế nuôi trồng của người dân trong tỉnh, giá lại rẻ. Người dân ngày càng ý thức hơn trong sử dụng chế phẩm vi sinh để nâng cao chất lượng thủy sản nuôi trồng. Việc tạo ra những loại chế phẩm đảm bảo về chất lượng, giá mềm như nghiên cứu là hướng đi rất phù hợp với thực tế, giúp ích nhiều cho người nuôi trồng thủy sản.
Năm 2019, thông qua Chương trình Ứng dụng chuyển giao công nghệ sinh học, Trung tâm tiếp tục khảo nghiệm đánh giá hiệu quả của 3 loại chế phẩm tại 3 huyện Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Phù Cát, mỗi địa phương triển khai mô hình nuôi trên 1.000 m2. “Sau khi hoàn thành thủ tục khảo nghiệm, chúng tôi sẽ công bố hợp quy, hợp chuẩn... sớm đưa chế phẩm ra thị trường phục vụ nhu cầu cơ sở, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản trong và ngoài tỉnh”, bà Võ Cao Thị Mộng Hoài, Giám đốc Trung tâm Thông tin - Ứng dụng KH&CN tỉnh cho hay.
NGỌC TÚ