Chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng: Nhanh hơn, chính xác hơn
Tháng 9.2018, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh - đơn vị trực tiếp triển khai thực hiện việc chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng - ứng dụng công cụ v5PFES do Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) triển khai trên toàn quốc. Tuy nhiên, v5PFES lại bộc lộ một số nhược điểm như: Đơn giá đầu vào chưa đúng, dẫn đến xác định mức chi trả chưa chính xác; tính sai hệ số điều chỉnh chi trả theo mức độ khó khăn, kéo theo các dữ liệu liên quan bị sai…
Cán bộ kiểm lâm phối hợp địa phương kiểm tra hiện trạng rừng để xác định bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng.
Trước thực trạng đó, ông Lê Đức Sáu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm (Sở NN&PTNT) và ThS Nguyễn Xuân Vũ, kiểm lâm viên của Chi cục đã khắc phục bằng cách ứng dụng kết hợp nhiều phần mềm và sử dụng đa dạng các nguồn dữ liệu số. Ứng dụng phần mềm FRMS chuyển dữ liệu diễn biến rừng sang dữ liệu dạng bảng tính Excel và định dạng *SHP. Ứng dụng v5PFES chuẩn hóa dữ liệu thuộc tính theo kết quả kiểm kê rừng; đồng thời bổ sung, cập nhật các dữ liệu thuộc tính.
“Để khắc phục, cập nhật và bổ sung dữ liệu, chúng tôi đã sử dụng phần mềm Mapinfo; tiếp đó, ứng dụng công cụ v5PFES trên phần mềm Mapinfo tạo màu hiện trạng rừng để biên tập bản đồ phục vụ công tác chi trả dịch vụ môi trường rừng và khai thác dữ liệu. Không chỉ giải quyết khó khăn cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh khi ứng dụng công cụ v5PFES, chúng tôi còn hoàn thiện quy trình kỹ thuật “Hướng dẫn xây dựng bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng theo từng lưu vực trên địa bàn tỉnh Bình Định”; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bản đồ số, biểu thống kê số liệu của các chủ rừng theo từng lưu vực phục vụ công tác chi trả tiền dịch vụ; xác định số liệu chi trả năm 2018 và bản đồ, số liệu kế hoạch chi trả năm 2019”, ông Sáu cho biết.
Bà Nguyễn Thị Thanh Trúc, cán bộ kỹ thuật của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh nhận định: “So với cách sửa lỗi công cụ v5PFES bằng phương pháp thủ công, Chi cục Kiểm lâm đưa ra giúp chúng tôi biên tập bản đồ chi trả dịch vụ môi trường rừng nhanh hơn, xác định diện tích chi trả tiền cũng chính xác hơn. Năm 2018, quỹ đã chi trả tiền dịch vụ này hơn 7 tỷ đồng, và sẽ tiếp tục ứng dụng để chi trả cho năm 2019”, bà Trúc cho hay.
Chi cục Kiểm lâm đã tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ kỹ thuật của 11 đơn vị chủ rừng là tổ chức trên địa bàn tỉnh có diện tích thuộc lưu vực chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. “Với hơn 200 hộ trong diện phải chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng, ứng dụng phần mềm giúp tiết kiệm nhiều thời gian, công sức, đặc biệt trong bối cảnh việc nhiều, người ít như hiện nay”, bà Nguyễn Thị Hồng Diễm, Ban Quản lý rừng đặc dụng An Lão chia sẻ.
NGỌC NGA