Phù Cát giành thắng lợi trong sản xuất nông nghiệp
Dù gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết diễn biến bất thường, dịch bệnh phức tạp, nhưng có thể nói, đến thời điểm này, huyện Phù Cát đã giành thắng lợi trong sản xuất nông nghiệp năm 2019.
Theo ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng NN&PTNT Phù Cát, trong năm 2019, toàn huyện đã gieo trồng hơn 15.343 ha lúa, năng suất bình quân cả năm đạt 62,3 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha so với cùng kỳ; diện tích cây trồng cạn là 11.758 ha. Nông dân đã tập trung đầu tư thâm canh, áp dụng quy trình kỹ thuật vào chăm sóc nên các loại cây trồng đều phát triển tốt và cho năng suất cao hơn so với cùng kỳ; trong đó, năng suất cây đậu phụng đạt bình quân 38,4 tạ/ha, mì 275 tạ/ha, bắp lai 64,5 tạ/ha... cộng với giá nông sản tương đối ổn định ở mức có lãi, nên bà con nông dân rất phấn khởi.
Nông dân Phù Cát thu hoạch lúa.
Có được kết quả trên, là nhờ huyện đã chỉ đạo các địa phương quy hoạch vùng sản xuất phù hợp cho từng loại cây trồng, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu; đưa các giống cây trồng có phẩm cấp cao thích nghi với điều kiện thời tiết, đất đai từng vùng vào sản xuất; đồng thời hướng dẫn nông dân gieo sạ đúng thời vụ, tập trung, đồng loạt theo từng vùng, từng cánh đồng, thuận lợi cho công tác quản lý và phòng trừ sâu bệnh... Nổi bật trong sản xuất nông nghiệp là Phù Cát đã thực hiện 46 cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết, tổng diện tích hơn 2.358 ha, với 3 loại cây trồng chủ lực là lúa, đậu phụng và mì; gồm 42 cánh đồng sản xuất lúa, 1cánh đồng trồng đậu phụng và 3 cánh đồng đậu phụng xen mì. Trong đó, có 7 cánh đồng liên kết sản xuất theo mô hình liên kết chuỗi từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm. Năng suất trên các cánh đồng đều cao hơn từ 1,5 - 2 tạ/ha so với ruộng đối chứng.
Cùng với đó, nhằm ứng phó với diễn biến bất thường của thời tiết và nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, toàn huyện đã chuyển trên 2.500 ha đất lúa và đất màu kém hiệu quả sang các loại cây trồng cạn có hiệu quả kinh tế cao hơn như: Đậu phụng, bắp lai, mè, dưa hấu..., tăng 92 ha so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời chuyển 2.891 ha từ 3 vụ lúa sang sản xuất chuyên canh 2 vụ lúa/năm và 2.041 ha chuyển từ 3 vụ lúa sang sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ màu/năm. Việc chuyển đổi đều đạt kết quả khá tốt, góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, chuyên canh tạo ra sản phẩm nông nghiệp có tính hàng hóa, tăng thu nhập cho nông dân.
TRƯỜNG GIANG