Các di tích, phế tích sau khai quật: Còn nhiều việc phải làm
Liên tục trong 15 năm qua, đã có nhiều hơn các cuộc khai quật khảo cổ tại các di tích, phế tích trong tỉnh, với nhiều phát hiện mới có giá trị. Tuy nhiên, việc bảo vệ, quản lý, phát huy các địa điểm sau khai quật còn nhiều hạn chế.
Theo Quy chế thăm dò, khai quật khảo cổ của Bộ VH-TT&DL có hiệu lực từ đầu năm 2009, việc bảo vệ, quản lý, phát huy giá trị địa điểm khảo cổ sau thăm dò, khai quật khảo cổ bao gồm: Áp dụng các biện pháp bảo quản các phế tích kiến trúc, di vật và các dấu vết khảo cổ khác mà không thể di dời; tiến hành lấp hố khai quật đến cao độ mặt bằng khu đất trước khi thăm dò, khai quật, trừ trường hợp cần giữ nguyên hiện trạng hố khai quật để phục vụ cho việc nghiên cứu, trưng bày về địa điểm khảo cổ… Trường hợp xét thấy địa điểm khảo cổ có đủ điều kiện lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa thì Sở VH-TT&DL (hoặc Sở VH&TT) nơi có địa điểm khảo cổ có trách nhiệm tổ chức lập hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xếp hạng di tích khảo cổ theo quy định.
Nhà mái che cho hồ bán nguyệt phát hiện trong đợt khai quật lần thứ nhất ở khu vực Tử Cấm Thành của di tích thành Hoàng Đế.
Do chưa có điều kiện bảo tồn tại chỗ, lâu dài nên tại các điểm khai quật khảo cổ trong tỉnh, hầu hết đều cho lấp hố khai quật. Ông Bùi Tĩnh, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng tỉnh, cho biết: “Dưới hố khai quật sẽ được rải lưới chuyên dụng có độ bền nhiều năm để bao phủ lên những dấu vết kiến trúc đã xuất lộ, rồi sau đó mới lấp cát lại như nguyên trạng cao độ mặt bằng trước khi khai quật. Khi có điều kiện tiếp tục khai quật hay thực hiện trùng tu, tôn tạo thì chỉ cần bỏ lớp cát này đi”.
Theo TS Lê Đình Phụng, Viện Khảo cổ học Việt Nam, người đã chủ trì nhiều đợt khai quật khảo cổ ở Bình Định, một phương pháp khác đã được áp dụng ngày càng nhiều hơn ở các địa điểm khai quật trong cả nước là làm nhà mái che các hố khai quật, chứ không lấp cát lại. Ở tỉnh hiện chỉ có duy nhất 1 địa điểm khai quật lần đầu tiên ở khu vực Tử Cấm Thành trong di tích thành Hoàng Đế (xã Nhơn Hậu, TX An Nhơn) được bảo vệ như vậy trên diện tích khoảng 400 m2 trên hố khai quật để bảo vệ hồ bán nguyệt phát hiện được (kinh phí hơn 100 triệu đồng vào thời điểm năm 2005). Tuy nhiên, ở hồ bán nguyệt phát hiện trong đợt khai quật thứ hai thì lại nằm phơi mưa nắng hơn chục năm qua, bởi tỉnh chưa thể bố trí kinh phí để xây dựng mái che.
Rất nhiều đợt khai quật khảo cổ đã được tiến hành tại phế tích và đạt được nhiều thành công, điển hình như: Tháp Mẫm (năm 2011), Lai Nghi (năm 2013), Rừng Cấm (năm 2014), Chà Rây (năm 2018), Xuân Mỹ (năm 2019). Tuy nhiên để có thể xem xét xếp hạng di tích khảo cổ đối với các phế tích này, phải đầu tư lớn và mất nhiều thời gian lập hồ sơ khoa học, nên cần sự quan tâm hơn từ các cấp, ngành, đơn vị liên quan.
Đàn Nam Giao di tích thành Hoàng Đế sau khi được khai quật lần đầu tiên cách đây 12 năm, đã được lấp cát lại chờ được tiếp tục khai quật nghiên cứu thêm.
Cách đây nửa tháng, tại buổi báo cáo kết quả khai quật phế tích tháp Xuân Mỹ, nhiều ý kiến đề nghị tăng cường công tác bảo vệ phế tích bởi xung quanh đã có nhiều mồ mả... Đại diện chính quyền địa phương đã cam kết bảo vệ và kiến nghị nên xếp hạng di tích cấp tỉnh đối với phế tích để có thêm cơ sở pháp lý bảo vệ tốt hơn. Tuy nhiên, cuộc khai quật mới bước đầu phân tích, nghiên cứu từ những gì tìm thấy được ở các hố khai quật trên diện tích 146 m2, trong khi mặt bằng tổng thể của phế tích có diện tích 1.000 m2. Do đó cơ sở để đề xuất chưa đầy đủ, cần có thêm các cuộc khai quật kế tiếp mới có thể hoàn chỉnh hồ sơ xếp hạng di tích. Ông Bùi Tĩnh cho biết: “Muốn xếp hạng di tích khảo cổ thì cần phải đánh giá tương đối đầy đủ, toàn diện về giá trị của di tích. Nhiều điểm phế tích trên địa bàn tỉnh cần tiếp tục khai quật nghiên cứu thêm. Dự kiến, trong năm 2020 chúng tôi sẽ đề nghị khai quật lần thứ hai Đàn Nam Giao trong di tích Thành Hoàng Đế để phục vụ công tác trùng tu, tôn tạo; khai quật lần thứ hai phế tích tháp Xuân Mỹ vào năm 2021...”.
HOÀI THU