Dự án trang trại chăn nuôi heo của Công ty TNHH New Hope Bình Ðịnh:
Tiếp tục hoãn thi công, điều chỉnh quy hoạch
Ðó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu tại cuộc họp với các sở, ngành, UBND huyện Tây Sơn và Công ty TNHH New Hope Bình Ðịnh vào chiều 6.11 để giải quyết vụ việc người dân thôn 4, xã Bình Nghi (huyện Tây Sơn) tập trung phản đối dự án trang trại chăn nuôi heo theo công nghệ cao khép kín của DN nói trên do lo sợ ô nhiễm môi trường.
Cam kết không ảnh hưởng đến môi trường
Theo Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Đỗ Văn Sỹ, dự án trên đã thi công được 22% khối lượng phần xây dựng. Tuy nhiên, từ tháng 7.2019 đến nay, một số người dân thôn 4, xã Bình Nghi đã lập các chốt chặn trên tất cả các tuyến đường vào khu vực công trình, ngăn cản công ty vận chuyển vật liệu để thi công, làm ảnh hưởng đến ANTT và cản trở giao thông ở địa phương. Lý do người dân đưa ra để phản đối dự án là trang trại chăn nuôi này sẽ gây ô nhiễm môi trường, việc vận chuyển vật liệu thi công làm hư hỏng đường, phát sinh bụi và nguy cơ mất ATGT. “Trước tình hình trên, UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện yêu cầu công ty dừng thi công và vận động, đối thoại với nhân dân. Sau đó, huyện đã thành lập 3 tổ vận động đi đến 220 hộ gia đình thôn 4 để tuyên truyền. Trong đó, có 153 hộ có người ở nhà, 67 hộ đi làm ăn xa. Trong 153 hộ có 46 hộ đồng ý và không có ý kiến gì về dự án, 38 hộ chỉ có trẻ em không có người lớn ở nhà nên không có ý kiến gì, 69 hộ không thống nhất với việc triển khai dự án”, ông Sỹ cho biết.
Dự án trang trại chăn nuôi heo của Công ty TNHH New Hope Bình Định phải tạm dừng thi công vì người dân phản đối.
Còn ông Cố Tuấn Kiệt, Tổng giám đốc Công ty TNHH New Hope Bình Định, bày tỏ: “Đến nay dự án đã chậm tiến độ gần 140 ngày, gây thiệt hại cho công ty hơn 100 tỷ đồng. Chúng tôi cam kết dự án sẽ không ảnh hưởng gì đến môi trường, đời sống của người dân và sẽ tạo công ăn việc làm cho con em ở địa phương. Hy vọng, UBND tỉnh và các ngành chức năng sớm có giải pháp để giải quyết vụ việc này”.
Liên quan đến lo ngại của người dân về việc dự án sẽ gây ô nhiễm môi trường, theo Sở TN&MT thì đây là dự án nuôi heo giống cụ kỵ, giống ông bà và heo con (sau khi cai sữa 21 ngày) để bán giống, không phải dự án chăn nuôi heo thịt. Do vậy, tỷ lệ chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi thấp. Cụ thể, nước thải chăn nuôi heo được thu gom xử lý bằng công nghệ đảm bảo theo quy định trước khi thải ra suối Cây Xoài. Nước thải sau xử lý có thể tái sử dụng để tưới cây. Đồng thời, tất cả các bể xử lý của hệ thống xử lý nước thải (khoảng 20 bể) đều được xây dựng với kết cấu bê tông cốt thép nên có khả năng chống thấm, không ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm. Đối với phân heo, chủ dự án sẽ đầu tư một máy ép phân có công suất ép từ 25 - 30 m3/h để tách phân ra khỏi nước thải. Định kỳ một ngày/lần công ty sẽ sử dụng máy tách phân để hút và tách phân tại bể gom. Phân sau khi được tách sẽ khử trùng bằng vôi bột và dùng chế phẩm vi sinh (EM) để khử mùi hôi và đóng bao. Đối với mùi hôi, toàn bộ hệ thống chuồng trại được xây dựng theo yêu cầu về kỹ thuật trại chăn nuôi. Cụ thể, chuồng trại cao ráo, có mái che, thoáng mát, bố trí hệ thống quạt hút hoạt động liên tục ở phía cuối chuồng nuôi và giàn tưới ở đầu các chuồng nuôi, đảm bảo nhiệt độ chuồng luôn thấp hơn nhiệt độ bên ngoài. Ngoài ra, toàn bộ nền chuồng đều sử dụng sàn lọt để tránh heo dẫm lên phân, nước tiểu gây mùi hôi, sàn và kể cả khu vực xung quanh chuồng nuôi đều được vệ sinh định kỳ và phun thuốc sát trùng theo quy định.
Người dân dựng chướng ngại vật chặn lối đi, không cho phương tiện vận chuyển vật liệu để thi công dự án.
Bà Hà Thị Thanh Hương, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT), khẳng định: “Cuối tháng 8 vừa qua, Sở TN&MT cùng các đơn vị liên quan đã đi kiểm tra thực tế tại trang trại này thì nhận thấy Công ty TNHH New Hope Bình Định đã xây dựng cơ bản hệ thống xử lý nước thải, đúng như cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt. Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, công ty đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường”.
Điều chỉnh quy hoạch
Để tăng tính an toàn về môi trường và sự an tâm của người dân, Sở TN&MT đã đề nghị Công ty TNHH New Hope Bình Định xem xét thay đổi vị trí hai hồ chứa nước thải sau xử lý (nằm gần tường rào phía trước công ty - PV) đến vị trí phía sau khu vực dự án và tăng cường trồng dải cây xanh cách ly tại vị trí hai hồ này.
Đồng quan điểm, theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, về lâu dài, để đảm bảo hoạt động của trang trại phát triển bền vững và phù hợp với các quy định mới của Luật Chăn nuôi (có hiệu lực từ ngày 1.1.2020), công ty phải nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, bố trí lại khu vực chuồng nuôi, khu vực xử lý chất thải phù hợp, thân thiện với môi trường. “Công ty phải có sự lắng nghe, đồng thuận với người dân. Việc điều chỉnh cần công khai cho dân biết. Thông qua đó để khẳng định chính quyền, DN luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của người dân”, ông Hùng yêu cầu.
Về hướng giải quyết vụ việc trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu tiếp tục hoãn thi công dự án, điều chỉnh lại quy hoạch trang trại. “Dự án có mức độ an toàn nhưng phải tìm được sự đồng thuận trong nhân dân. Việc điều chỉnh lại quy hoạch dự án sẽ vừa là cơ sở để tuyên truyền cho người dân vừa là căn cứ để xử lý việc khiếu nại không có cơ sở. Tỉnh sẽ hỗ trợ thêm diện tích đất để DN mở rộng dự án về phía Nam (phía giáp núi - PV). Đồng thời, UBND huyện Tây Sơn phải tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân đồng thuận triển khai thi công lại dự án”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo.
Bên cạnh đó, đồng chí Trần Châu cũng đề nghị Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan điều chỉnh lại quy hoạch dự án cho phù hợp; Sở TN&MT kiểm tra chặt chẽ quy trình xử lý nước thải của dự án. Kết quả thực hiện, các đơn vị, địa phương báo với UBND tỉnh vào cuối tháng 11.
HỒNG PHÚC