Thu ngân sách không chỉ là thu thuế
Nhờ hoạt động giám sát về tình hình thực hiện công tác quản lý thu thuế trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2018 của Ban Kinh tế - Ngân sách (HÐND tỉnh), nhiều khó khăn, bất cập trong công tác quản lý thu thuế đã được làm rõ, một số vướng mắc cũng được chia sẻ.
Dựa trên chỉ tiêu dự toán năm và kết quả thực hiện, giai đoạn trước, Cục Thuế tỉnh đều thực hiện thu ngân sách với số thu năm sau tăng hơn năm trước. Song hiện nay, ở lĩnh vực công thương nghiệp - ngoài quốc doanh (CTN-NQD) số thu chưa đảm bảo dự toán được giao. Theo Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế tỉnh Đào Hữu Phúc, nếu chỉ nhìn vào số liệu báo cáo, đánh giá rằng ngành thuế chưa hoàn thành nhiệm vụ là không sai. Song, nếu đánh giá như vậy thì chưa thật sự toàn diện, bởi ngoài mục tiêu thu, tăng thu, yếu tố mấu chốt của vấn đề là nuôi nguồn thu, đảm bảo thu bền vững.
“Bước lùi lấy đà”
Tại sao số thu từ lĩnh vực CTN-NQD thấp? “Ở đây, cần thấy rằng nguyên nhân thu thấp phần nhiều là do những bước lùi lấy đà trước khi tăng tốc vào bước nhảy vọt”, một chuyên gia ngành thuế trao đổi bên lề cuộc giám sát. Đằng sau kết quả thu thấp đó lại là sự phát triển của các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân.
Ngành thuế đang tập trung nhiều giải pháp để thu ngân sách từ lĩnh vực kinh doanh dịch vụ du lịch.
- Trong ảnh: Một đoạn đường Xuân Diệu (TP Quy Nhơn) tập trung nhiều khách sạn, nhà hàng ăn uống.
Có thể lấy thực tế của huyện Hoài Nhơn để minh họa. Năm 2019, số thu từ các DN, đặc biệt là DN xuất khẩu giảm. Có điều này là bởi khi thực hiện các hiệp định thương mại tự do, tại nhiều ngành hàng, DN xuất khẩu được hưởng thuế suất về 0, do đó tuy có nhiều DN xuất khẩu nhưng số thu vẫn giảm. Diễn biến này đã được ngành thuế chỉ rõ ra từ khi các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương bước vào giai đoạn chuẩn bị ký kết, được trình để Nhà nước phê chuẩn. Và cũng từ đó, chính quyền và các ngành quản lý nhà nước từ tỉnh đến huyện đều thấy rằng, phải nỗ lực thu hút đầu tư, trợ lực để DN sản xuất tinh, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo thêm việc làm, khi đó chắc chắn hoạt động sản xuất sẽ tác động dây chuyền đến những lĩnh vực, ngành kinh tế khác, khi đó số thu CTN-NQD nhất định sẽ tăng, nguồn thu ngân sách sẽ dồi dào.
Hoặc, lĩnh vực du lịch với doanh thu thuần du lịch tăng cao, nhưng đóng góp ngân sách hiện nay còn thấp. Vấn đề được chỉ ra là, doanh thu du lịch có thể cần được đánh giá lại toàn diện hơn ở góc độ đa ngành. Bởi nếu chỉ đánh giá từ những hoạt động kinh tế thuần túy du lịch như lưu trú, vé tham quan, đi lại… thì sẽ không đo hết đóng góp của ngành du lịch. Đóng góp của ngành du lịch còn ở sức tăng trưởng của ngành hàng chế biến hải sản chẳng hạn, bởi du khách thường chọn mua hải sản khô làm quà và số thu từ đây không nhỏ.
Khi chia sẻ quan điểm này với ngành thuế, một thành viên của đoàn giám sát đưa ra nhận xét tuy ai cũng nhìn thấy nhưng khá bất ngờ từ góc độ nhìn nhận: Trước khi du lịch phát triển, gần như không có ngành hàng chả ram tôm đất. Giờ đi đâu cũng thấy quảng cáo sản phẩm này, nhiều du khách cũng hâm mộ chả ram tôm đất Bình Định. Cùng với việc tạo ra nhiều việc làm, rõ ràng ngành hàng này cũng góp phần không nhỏ vào thu ngân sách. Có thể thấy nếu đánh giá chính xác, đa diện thì công tác quản lý thuế sẽ hài hòa giữa trách nhiệm và lợi ích.
Nuôi nguồn thu bền vững
Theo đánh giá của Cục Thuế tỉnh, Chi cục Thuế An Nhơn là một trong những đơn vị thực hiện tốt các khoản thu, sắc thuế. Hai năm liên tục 2018 - 2019, số thu từ lĩnh vực CTN-NQD của An Nhơn đều hoàn thành. Tại buổi giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) ở Chi cục Thuế An Nhơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách Phạm Thị Thanh Hương đề xuất lãnh đạo Chi cục thuế An Nhơn chia sẻ kinh nghiệm trong việc thu thuế lĩnh vực CTN-NQD. Theo bà Hương, không riêng gì Bình Định, mà tình trạng thất thu thuế trong lĩnh vực này trải đều trên cả nước. Và với An Nhơn, một địa bàn mà số thu lĩnh vực ngoài quốc doanh phân tán nhỏ lẻ, việc quản lý và thực hiện tốt số thu từ lĩnh vực này quả là một điều đáng chia sẻ để nhiều địa phương khác tham khảo.
“ngoài mục tiêu thu, tăng thu, yếu tố mấu chốt của vấn đề là nuôi nguồn thu, đảm bảo thu bền vững”.
Ông Đào Hữu Phúc - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Thuế tỉnh
Ông Lê Văn Ngọc, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thuế An Nhơn, cho biết, nguyên tắc “vàng” mà ngành thuế An Nhơn thực hiện trong nhiều năm qua là vừa quản lý thu thuế vừa nuôi nguồn thu. Trong khi nhân lực của ngành thuế không đủ, đơn vị chọn giải pháp giám sát tập trung vào nhóm có nguy cơ rủi ro cao về thuế đối với DN; với hộ kinh doanh cá thể có giải pháp giám sát chéo, xây dựng mức doanh thu tối thiểu, đối chiếu hàng tồn kho để hạn chế việc hộ kinh doanh bán hàng lách hóa đơn. Định kỳ hàng quý có kiểm tra, đánh giá, đối chiếu để nắm tình hình thực hiện kê khai hồ sơ thuế của DN và các hộ kinh doanh trên địa bàn. Và hơn hết, cán bộ thuế nắm chắc tình hình ở cơ sở, trung thực và khách quan.
Trong khi đó, ở Hoài Nhơn, một mặt tìm giải pháp tăng thu, mặt khác Chi cục thuế tìm cách giảm áp lực cho các hộ kinh doanh cá thể. Ông Hồ Văn Diệt, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Thuế Hoài Nhơn, phân tích: Nếu quan sát kỹ sẽ thấy, gần như tất cả các hộ kinh doanh cá thể ở nước ta đều đang trong giai đoạn cạnh tranh với các chuỗi bán lẻ lớn, hiện đang tràn về nông thôn. Từ góc độ ấy, ngành thuế để tâm vào việc phát triển của chuỗi bán lẻ tại địa phương như: Điện máy Xanh, FPT shop, Viễn thông A… thông qua hợp đồng thuê mặt bằng với chủ nhà. Bên cạnh đó, đón đầu chính sách phát triển kinh tế, xây dựng kế hoạch phù hợp, sắp tới ngành Thuế Hoài Nhơn tập trung vào các khoản thu từ kinh doanh dịch vụ du lịch.
Ông Võ Thăng Long, Trưởng Đoàn giám sát, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh) nhìn nhận, nhiệm vụ thu ngân sách là của ngành thuế nhưng cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Phải tăng cường công tác phối hợp, khi đó, ngành thuế mới có thêm sự đồng hành để thực hiện tốt công tác thu.
THU DỊU