Quyền năng của chất độ
hế giới tự nhiên là kho chứa đầy chất độc, và không như nhiều người vẫn tưởng, độc tố vẫn có thể phục vụ tốt cho lợi ích con người.
Chất độc có thể gây hại bằng cách can thiệp vào các quá trình quan trọng đối với sự sống. Một số độc tố, như thạch tín, xuất hiện ở dạng khoáng chất, nhưng trên thực tế chúng chủ yếu được sản xuất từ các sinh vật sống. Chẳng hạn, thực vật tiết ra chất độc để tránh trở thành thức ăn của loài khác. Động vật cũng dùng chất độc xua đi kẻ thù. “Chất độc có thể gây hại nhưng vẫn mang lại lợi ích cho một số loài, bao gồm con người”, theo Michael Novacek, Phó chủ tịch Viện Bảo tàng lịch sử tự nhiên của Mỹ tại New York, nơi đang diễn ra triển lãm “Quyền năng của chất độc”.
Cuộc triển lãm trên đã đưa ra nhiều ví dụ khác cho thấy khía cạnh “tốt” của chất độc. Thông thường, những mặt ích lợi của chất độc đều có liên quan đến y học. Ví dụ, cây lộc đề sản sinh a xít salicylic, có thể nguy hiểm ở hàm lượng cao. Tuy nhiên, ở hàm lượng thấp, loại hóa chất trên trở thành thành phần chủ chốt trong thuốc aspirin. Chất độc từ rắn, ốc sên và cá cung cấp những liệu pháp giảm đau đã hoặc sắp được bào chế. Hiện các nhà nghiên cứu đang thử nghiệm 300 hóa chất được nhện mạng phễu đảo Fraser tạo ra nhằm tìm ra phương pháp chữa trị bệnh ung thư vú, còn cây ngải tây cung cấp dược liệu cho thuốc artemisinin chữa sốt rét.
Mặt ích lợi của chất độc trong tự nhiên không chỉ giới hạn ở lĩnh vực y khoa. Nhiều loại quen thuộc như ớt, trà, cà phê, quế, sô cô la và nicotine mang theo vị cay nồng hoặc bắt chước các hiệu ứng làm nản lòng kẻ thù. Nicotine, do cây thuốc lá và một số thực vật khác tạo ra, chứa chất độc mạnh có tác động trực tiếp đến hệ thần kinh, trong khi sô cô la tiết ra theobromine có thể gây chuyển biến tâm trạng ở người, theo Mark Siddall thuộc viện bảo tàng tại New York. Không những thế, theobromine đối với loài chó còn có tác động mạnh gấp nhiều lần. “Một miếng sô cô la cũng chứa đủ theobromine gây tổn hại nghiêm trọng một con chó thuộc nòi Yorkie hoặc Jack Russell, thậm chí có thể khiến chúng mất mạng”, ABC News dẫn lời chuyên gia Siddall.
Tuy nhiên, chất độc mạnh nhất lại xuất hiện trong các cuộc chạy đua trang bị vũ khí hủy diệt nhằm phục vụ cho quá trình tiến hóa. Chẳng hạn, thú có túi ô pốt có thể nuốt chửng vài con rắn độc mà không sợ nọc của chúng. Để đáp trả, loài rắn trong nhiều thế hệ đã trang bị nọc độc mạnh hơn, và ô pốt lại tiếp tục tiến hóa theo hướng khắc chế được chất độc mới của rắn. Một cuộc chiến tranh độc dược khác, diễn ra giữa vi khuẩn và mốc, đã cung cấp chất kháng sinh penicillin cho loài người. Chuyên gia Siddall cũng nghiên cứu loài đỉa và sự tiến hóa của hợp chất dùng để ngăn chặn máu vón cục. Những chất độc này có thể tác động đến máu của con mồi hoặc đang chứa trong cơ thể đỉa. Sau khi hút đủ khối lượng máu làm cơ thể của chúng căng phồng lên gấp 8 lần so với lúc chưa ăn, đỉa phải ngăn chặn tình trạng máu vón cục lại, vốn có thể biến chúng thành “một cục gạch” sống.
Cũng như nhiều loài chất độc khác, một số độc tố do đỉa tiết ra có thể được tận dụng để trợ giúp con người. Ví dụ như Hirudin, hợp chất chống đông máu, đã được điều chế trong tuyến nước bọt của một số loài đỉa.
Theo Phi Yến (TNO)