Vân Canh: Nan giải trẻ chưa thành niên vi phạm pháp luật
Theo thống kê, trong tổng số các vụ phạm pháp hình sự trên địa bàn huyện Vân Canh xảy ra từ đầu năm đến nay, có 18 vụ/20 đối tượng phạm pháp hình sự do trẻ chưa thành niên gây ra.
CA huyện cử cán bộ trực tiếp phối hợp cùng gia đình giáo dục cảm hóa các trường hợp chưa thành niên phạm tội.
Ham chơi, nghiện game, thiếu sự quản lý của gia đình, là những nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trẻ chưa thành niên phạm tội trên địa bàn huyện, trong đó có không ít trường hợp là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Đơn cử như vụ trộm vàng xảy ra ngày 20.9 vừa qua tại khu phố Hiệp Hà, thị trấn Vân Canh. Hôm đó, N.N.Q.V (SN 2003), L.V.T. (SN 2005) và M.V.H. (SN 2006) cùng ở thị trấn Vân Canh cùng chơi game thì nảy sinh ý định đi trộm. Để đột nhập vào nhà nạn nhân, V. và H. dùng rựa, búa cạy cửa để T. chui vào lục lấy tài sản. Để tránh bị phát giác, V. và H. làm nhiệm vụ cảnh giới bên ngoài.
Đây chỉ là 1 trong khá nhiều vụ trộm mà các đối tượng chưa thành niên thực hiện thời gian gần đây trên địa bàn huyện. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, toàn huyện xảy ra 32 vụ/37 đối tượng vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, làm bị thương 8 người, tài sản thiệt hại hơn 200 triệu đồng. Trong đó, có đến 18 vụ/20 đối tượng phạm tội là thanh thiếu niên, so cùng kỳ tăng 15 vụ/17 đối tượng. Phạm tội chủ yếu là trộm cắp tài sản, sử dụng cỏ mỹ; người chưa thành niên phạm tội là đồng bào dân tộc thiểu số cũng tăng cao với 9/20 đối tượng. Điều này, gây tâm lý hoang mang, lo ngại cho nhân dân.
Khi thực hiện bài viết này, tôi đã có dịp tiếp xúc với gia đình của trẻ chưa thành niên phạm tội; và hiểu rằng, các em trượt dài trong các hành vi vi phạm pháp luật phần lớn là do thiếu sự quản lý, giáo dục của gia đình. Như trường hợp của L.V.T. (13 tuổi), mặc dù cha mẹ vẫn sống hạnh phúc nhưng từ nhỏ T. thường sang nhà bà nội sống. Hôm chúng tôi đến, bà Nguyễn Thị N. (bà nội T.) cho biết: “Nó học đến lớp 5 thì không chịu đi học nữa mà theo bạn bè chơi bời, rồi mê game, để có tiền chơi thì làm điều sai trái. Giờ chuyện xảy ra rồi, mình có thêm bài học đắt giá, phải quan tâm cháu hơn để không phải ân hận về sau”.
Em L.V.S (13 tuổi) có hoàn cảnh đặc biệt hơn, khi cha mẹ ly hôn từ khi em còn bé. Lo mưu sinh nên mẹ S. không có nhiều thời gian gần con. S. mê game, rồi bỏ học và nhiều lần đi trộm. “Cháu vi phạm pháp luật cũng có phần lỗi ở tôi thiếu quan tâm. Cũng may được CA, nhà trường tạo điều kiện, động viên cháu đến trường học lại. Giờ tôi sẽ dành nhiều thời gian hơn để gần gũi, giáo dục cháu, không để cháu tái phạm nữa”, chị Trần Thị T., mẹ S. chia sẻ.
Có thể nói, sự quản lý, giáo dục của gia đình có vai trò quan trọng để hạn chế đến mức thấp nhất người chưa thành niên vi phạm pháp luật. Bởi vậy, CA huyện Vân Canh đã và đang đẩy mạnh công tác phối hợp với gia đình trong việc động viên, giáo dục đối tượng chưa thành niên vi phạm pháp luật. Đại úy Trần Ngọc Vương, Đội phó đội Cảnh sát điều tra tội phạm về hình sự, ma túy, kinh tế, CA huyện Vân Canh, cho biết: “Hầu hết các đối tượng này đều đã nghỉ học, cha mẹ một số em không sống với nhau; phần lớn các em đều không có nơi ở ổn định. Vì vậy, chúng tôi đang tăng cường phát huy vai trò của gia đình, nhà trường, các đoàn thể và cả cộng đồng để ngăn chặn trẻ chưa thành niên phạm tội. Song song đó, rà soát, xác định, phân loại địa bàn trọng điểm, đối tượng cần tập trung phòng ngừa, đấu tranh nhất là những trường hợp chưa thành niên chưa tiến bộ, có khả năng tái phạm để có hình thức phù hợp nhằm cảm hóa, giáo dục các em kịp thời, hiệu quả”.
K.ANH