Hoài Nhơn chủ động ứng phó với bão số 6
Trước diễn biến phức tạp của bão số 6 có nhiều khả năng đổ bộ vào đất liền ảnh hưởng trực tiếp đến Bình Ðịnh vào những ngày tới, huyện Hoài Nhơn đang chỉ đạo các ngành, đoàn thể và địa phương tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân theo dõi diễn biến của cơn bão, đồng thời có giải pháp ứng phó để giảm thiểu thiệt hại.
ĐVTN thị trấn Tam Quan (Hoài Nhơn) khẩn trương giúp dân khắc phục hậu quả do cơn bão số 5, chuẩn bị phòng chống bão số 6.
Trong những ngày này, cùng với việc khắc phục những thiệt hại do cơn bão số 5 gây ra, các ngành chức năng từ huyện đến các địa phương trên địa bàn cũng hết sức quan tâm với diễn biến cơn bão số 6. Từ ngày 5.11, Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Hoài Nhơn đã ra công điện về việc chủ động ứng phó với bão số 6.
Với phương châm “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ) trong phòng chống thiên tai, huyện Hoài Nhơn đã xây dựng lực lượng tại chỗ với hơn 2.200 người, gần 400 phao các loại, 25 nhà bạt, 18.500 bao cát, 240 xe ô tô khách ô tô tải, 4 ca nô, 240 thuyền các loại để chủ động ứng phó với cơn bão số 6.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện yêu cầu là các địa phương cần cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng có tàu cá đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm; tổ chức, theo dõi, kiểm đếm tàu đang hoạt động trên biển, giữ thông tin liên lạc thường xuyên để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu xảy ra, hướng dẫn tàu vào neo đậu tại cảng cá an toàn.
Theo ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Ban quản lý Cảng cá Tam Quan, có trên 1.400 tàu thuyền của ngư dân hiện đang neo đậu tại cảng cá. Để đảm bảo an toàn cho tàu neo đậu khi bão đổ bộ, ban quản lý đã tổ chức sắp xếp tàu neo đậu, tuyên truyền vận động ngư dân chủ động chằng chống, cố định tàu thuyền, hạn chế thấp nhất nguy cơ tàu va đập vào nhau. Bên cạnh đó, ban quản lý cũng đã hợp đồng với một số DN chuẩn bị các phương tiện cơ giới cần thiết để kịp thời lai dắt tàu cá trong trường hợp tàu bị trôi dạt.
Hiện nay, trên địa bàn huyện còn khoảng 600 ha lúa vụ Mùa cùng một số diện tích rau màu, cây trồng cạn chưa thu hoạch, huyện đã chỉ đạo các địa phương vận động nhân dân khẩn trương thu hoạch lúa vụ Mùa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
Rút kinh nghiệm từ cơn bão số 5 đã làm trên 180 nhà trên địa bàn huyện bị tốc mái, đổ sập, các địa phương vận động nhân dân khẩn trương gia cố, chằng chống nhà cửa, phát quang đối với các cây có khả năng bị ngã đổ, bật gốc nếu bão đổ bộ.
Đặc biệt, tại xã Hoài Hải là địa phương sát biển, nguy cơ ảnh hưởng nặng nề trong bão nên trước cơn bão số 6, xã đã chủ động thông tin cho nhân dân biết về diễn biến của bão để phòng chống. Ông Huỳnh Có, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Xã đã kịp thời vận động lực lượng giúp dân gia cố lại trên 50 căn nhà bị tốc mái trong bão số 5; lên phương án di dời trên 200 người dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Đồng thời, chuẩn bị đủ lương thực, nước uống và cơ số thuốc đề phòng bị ảnh hưởng trong bão số 6”.
Ban chỉ huy PCTT &TKCN huyện đã xây dựng kế hoạch dự trữ lương thực, thực phẩm, nhiên liệu để kịp thời hỗ trợ cho các xã, thị trấn khi có yêu cầu; phân công các thành viên đứng chân trên địa bàn phối hợp với Ban PCTT&TKCN ở các địa phương chỉ đạo công tác sơ tán di dời dân, xử lý các tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Ngoài ra, huyện cũng đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị thi công đi kiểm tra, có phương án gia cố, bảo vệ các công trình xây dựng cơ bản trọng điểm, các hồ chứa nước trên địa bàn đảm bảo an toàn khi có bão đổ bộ.
ÁNH NGUYỆT