Không chủ quan, tập trung ứng phó bão số 6
Trước diễn biến phức tạp và nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng của bão số 6, chiều 8.11, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã đi kiểm tra công tác ứng phó bão tại TP Quy Nhơn, các huyện: Phù Cát, Tuy Phước.
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng (bìa trái) chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền TP Quy Nhơn triển khai các biện pháp, đảm bảo an toàn cho các hộ dân sinh sống dọc theo tuyến kè biển ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn. Ảnh: TIẾN SỸ
Bảo vệ tính mạng của dân là quan trọng nhất
Tại kè biển thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn), khu vực Núi Gành, thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh; Cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát) Chủ tịch Hồ Quốc Dũng đã chỉ đạo ngành chức năng, chính quyền các địa phương triển khai cấp bách các biện pháp ứng phó với bão số 6.
Ngay chiều 8.11, rất nhiều người dân thôn Hải Nam đã dùng bao cát chằng chống, che chắn nhà cửa; lực lượng thanh niên xung kích và người dân cũng đang khẩn trương khắc phục tạm đoạn đê bị bão số 5 làm sập đổ. Trực tiếp chỉ huy công tác ứng phó với bão số 6, Phó Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn Nguyễn Công Vịnh, cho hay: Có khoảng 140 hộ dân sinh sống dọc tuyến kè ở thôn Hải Nam sẽ bị ảnh hưởng bởi bão số 6. Để đảm an toàn cho người dân, chúng tôi sẽ đưa toàn bộ số hộ dân nói trên đến trụ sở thôn và trường học của xã. Mặt khác, hướng dẫn người dân địa phương chằng chống nhà cửa và huy động lực lượng, phương tiện gia cố đoạn kè bị hư hỏng.
Tại thôn Đức Phổ 1, xã Cát Minh chính quyền địa phương cũng đang triển khai các biện pháp để bảo vệ an toàn cho người dân. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Trần Văn Hương, cơn bão số 5 vừa qua đã làm sạt lở 300 m3 đất đá Núi Gành, uy hiếp 22 hộ dân ở địa phương. Trước mắt, huyện vận động bà con đến các hộ dân khác trong thôn để ở tạm. Về lâu dài, xã Cát Minh quy hoạch đất ở gần UBND xã để bố trí cho các hộ dân nói trên. Cảng cá Đề Gi cũng có nhiều tàu cá của ngư dân đang neo đậu để tránh trú bão. Các nhân viên của Ban quản lý Cảng cá Bình Định, lực lượng CA và Biên phòng của tỉnh yêu cầu ngư dân di dời ra khỏi cầu cảng; hướng dẫn ngư dân neo đậu tàu thuyền an toàn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu kiểm tra việc sắp xếp neo đậu tàu thuyền tại cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: ĐOÀN NGỌC NHUẬN
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng yêu cầu các huyện, thị xã, thành phố dừng tất cả các cuộc họp, tập trung ứng phó với bão số 6 lấy việc bảo vệ tính mạng của dân là quan trọng nhất; sơ tán ngay các hộ dân sống vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở đất, bị triều cường đến nơi an toàn, nỗ lực hoàn thành việc này trước 12 giờ ngày 10.11. Các ngành chức năng, chính quyền các địa phương kiểm tra các hồ đập, các công trình xung yếu và triển khai gia cố những điểm bị hư hỏng. Các địa phương hỗ trợ bao cát và huy động lực lượng giúp người dân chằng chống nhà cửa. UBND TP Quy Nhơn phải gia cố xong đoạn kè biển Nhơn Hải bị bão số 5 làm sập đổ và tổ chức di dời các hộ dân sinh sống sát đoạn kè này đến nơi an toàn trước khi bão đến. Sở NN&PTNT và UBND TP Quy Nhơn nghiên cứu, đề xuất kinh phí hỗ trợ cho người dân sinh sống sát đoạn bờ kè nói trên. Từ ngày 9.11, tất cả các cơ quan, đơn vị phải túc trực 24/24 giờ.
Khẩn trương nhưng phải đảm bảo an toàn
Chiều 8.11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã đi kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó với bão số 6 tại cảng cá Quy Nhơn, cảng Quy Nhơn và xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu các ngành chức năng của tỉnh, chính quyền các địa phương phải thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo về ứng phó bão số 6; khẩn trương sắp xếp việc neo đậu tàu thuyền đảm bảo an toàn luồng lạch tại các cảng cá. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu nhấn mạnh: Khẩn trương nhưng phải đảm bảo an toàn không được cẩu thả; khi có mưa bão, tuyệt đối cấm không cho người dân đi lại ở các nơi nước lũ chảy xiết; cấm người ở trên các lồng, bè nuôi trồng thủy sản, trên tàu cá. Thực hiện việc di dời các hộ dân sống ở vùng xung yếu có nguy cơ ảnh hưởng bão lũ đến nơi an toàn; cấp phát bao cát cho người dân giằng chống nhà cửa nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối về người, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản do bão số 6 gây ra.
Người dân thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận (huyện Tuy Phước) chủ động giằng chống nhà cửa ứng phó bão số 6. Ảnh: ĐOÀN NGỌC NHUẬN
Theo báo cáo của ngành Nông nghiệp tỉnh, toàn tỉnh có 6.233 tàu cá, hiện đã có 5.661 tàu cá neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan và các bến tàu ở các địa phương ven biển trong tỉnh; số tàu cá còn lại đang hoạt động khai thác thủy sản xa bờ đã ra khỏi vùng nguy hiểm và neo đậu tại các âu tàu của các tỉnh khác và quần đảo Trường Sa. Lực lượng BĐBP phối hợp với thanh tra Chi cục Thủy sản, CSGT đường thủy tỉnh bố trí tàu tuần tra, sắp xếp tàu cá neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn đảm bảo an toàn, tránh va đập.
Thượng tá Nguyễn Văn Lĩnh, Phó tham mưu trưởng Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh, cho biết: “Đến chiều 8.11, đã có hơn 300 tàu cá của ngư dân trong và ngoài tỉnh vào neo đậu tại cảng cá Quy Nhơn. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, các lực lượng liên quan đang tăng cường túc trực tại cảng để thông báo, hướng dẫn ngư dân sắp xếp tàu cá neo đậu đúng luồng tuyến. BĐBP tỉnh phân công lực lượng ứng trực tại các khu vực xung yếu trong tỉnh để giúp dân khi mưa lũ”. Ông Vũ Thế Quang, Giám đốc Cảng vụ hàng hải Quy Nhơn, cho hay: “Hiện có 56 tàu hàng neo đậu tại cảng Quy Nhơn đã được đơn vị bố trí vào các khu vực neo đậu an toàn. Cảng vụ cũng đã khuyến cáo các tàu sắp tới làm hàng tại Quy Nhơn tạm thời chuyển hướng vào các cảng khác để tránh bão. Đồng thời, yêu cầu các tàu kiểm tra neo tàu kỹ lưỡng, đưa tất cả người trên tàu không phải là thuyền viên ra khỏi tàu trong thời gian có bão; việc bốc dỡ hàng hóa của các tàu tại cảng Quy Nhơn phải thực hiện xong trước 8 giờ sáng ngày 9.11”.
TIẾN SỸ - NGỌC NHUẬN