Thương quá tiếng người mình
Cách đây hai năm, tôi có dự một trại sáng tác trên Đà Lạt. Chuyến đi để lại trong tôi nhiều kỷ niệm, và trên hết vẫn là thứ tiếng quê thô ráp, mộc mạc của người Bình Định. Lạ! Cũng thứ tiếng đó được nghe ngay tại quê nhà thấy rất đỗi bình thường, nhưng ở một nơi khác thấy thương và xao xuyến lạ.
Tiếng nói tiếng cười rặc “người mình” chẳng ở đâu xa. Ở chính anh em trong đoàn với ngày mấy lần gặp gỡ nhau ở phòng ăn, quán cà phê cóc dưới chân dốc hay ở sân hoặc hành lang nhà nghỉ. Ở ngay phố núi ấy, tiếng người mình mới thoạt nghe có hơi “chỏi chỏi”. Bởi, tiếng nẫu vốn nặng trịch rất khó tiếp nhận, nhưng nghe thêm lại thấy vui vui, gần gũi lạ! Có cảm giác như mình đang không phải ở Đà Lạt. Mà ở ngay trong nhà mình, ở chợ, bên nhà chòm xóm. Ở nhà thì tiếng má, tiếng chồng, tiếng cháu con. Ở chợ thì tiếng mấy bà bán cá, mấy chị bán rau, lũ nhỏ bán hành, chanh, ớt, tỏi…
Tiếng “người mình” còn vang vọng và ngân nga suốt thời gian chúng tôi ở đó. Trong những lần có khách ghé chơi. Khách, tất nhiên là anh chị em viết báo, viết văn và làm thơ ở Lâm Đồng và không hiếm những vị khách là đồng hương. Thế là rổn rảng hoặc rủ rỉ thăm hỏi, chuyện trò với nhau bằng một thứ tiếng Bình Định chay, nôn nao và ấm lòng.
Có một đêm, trong sự lặng im quen thuộc, giữa khi đang loay hoay với chữ nghĩa, lòng tôi bỗng bật òa niềm vui khi được nghe những câu giỡn rặc ri xứ nẫu. Khi ấy, tôi đang viết dở dang một truyện ngắn cho lứa tuổi mới lớn với văn phong Bắc, vậy mà, lại bị cái thứ tiếng quê thiết thân đó, tác động rất mạnh, khiến tự nhiên muốn dừng lại để viết ngay một cái gì đó về Bình Định. Một bài báo ngăn ngắn, chẳng hạn.
Có một sáng ngán nghĩ và ngán viết, tôi rời nhà nghỉ, xuống dốc và đi một cuốc xe thồ ra khu trung tâm thành phố chơi. Đang lang thang ở mấy cái gian hàng bán đặc sản Đà Lạt bên ngoài chợ, tôi giật thót người bởi những tiếng “hé”, “tộ”, “gớm òm”, “chưng hửng”… của một chị bán hàng rong trên hè đường. Chị đang say sưa nghe chuyện của một ai đó, mà điệu bộ xem ra đắm đuối lắm. Vừa nghe vừa hóng hớt theo. Chị nói quê ở Phước Sơn, Tuy Phước, làm ruộng, nuôi heo, trồng rau, ươm bông lớp nhà ăn nhà chưng, lớp bán. Trì mài miết rồi cũng được gì đâu. Nắng thì hạn, mưa lũ thì úng ngập. Làm thét mà cứ dầu đèn chó liếm miết cái ớn óc, bỏ quê đi. Và theo bạn lên đây, bán buôn. Những tiếng “người mình” từ một người Bình Định tha hương, nghe được từ phố núi nghe vui mà lòng chênh chao, lựng chựng buồn.
Chắc do những gì chị đã kể thật thà quá và đắn đót quá. Và lời chị kể và tiếng chị nói, đẫm ngập nỗi buồn tha phương, càng thương hơn những người mình nơi xứ lạ…
NGUYỄN MỸ NỮ