Tự nguyện hiến mô, tạng: Những chuyển động tích cực
Công tác vận động hiến mô, tạng trong cả nước và Bình Ðịnh đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cộng đồng, có thêm nhiều cá nhân tự nguyện đăng ký hiến mô, tạng để cứu người.
Đoàn công tác của Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người và đại diện một số bệnh viện trên địa bàn tỉnh Bình Định, Hội CTĐ tỉnh tại Chương trình bồi dưỡng kiến thức liên quan đến hiến, lấy, ghép tạng.
Tự nguyện
Thông tin từ Hội CTĐ tỉnh, từ đầu năm đến nay, Bình Định có 4 người đăng ký hiến mô, tạng nhân đạo và đã được Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cấp thẻ. Hai trường hợp ở huyện An Lão, một trường hợp ở huyện Vĩnh Thạnh và một trường hợp ở TP Quy Nhơn.
“Hàng ngày, hàng giờ, đang có rất nhiều người bệnh chờ đợi được ghép mô, tạng để được cứu sống. Ðăng ký hiến và hiến tặng mô tạng hôm nay là trao tặng cơ hội mang lại sự sống cho hàng nghìn người bệnh. Ðừng bao giờ nghĩ là mình không đủ sức khỏe, hoặc quá già để đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi chết, chết não”, GS - TS Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Ðiều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người nhấn mạnh.
Vợ chồng anh Hồ Viết Ngọt (54 tuổi), chị Trần Thị Kim Liên (53 tuổi, ở xóm 1, thôn Xuân Phong Bắc, xã An Hòa) có lẽ là những người đầu tiên của huyện An Lão đăng ký hiến mô, tạng nhân đạo. Họ đều là những giáo viên tiểu học, biết thông tin về hiến tạng nhân đạo từ tivi, báo, internet rồi đồng tâm đăng ký hiến tạng. Nhận được Thẻ ghi nhận đăng ký hiến mô tạng, anh Hồ Viết Ngọt cho biết: “Tôi thấy rất vui. Quyết định này là sự tự nguyện. Vui hơn nữa khi vợ của mình cũng có chung sự lựa chọn giống mình. Tấm thẻ là sự ghi nhận, cũng là cơ hội để tôi có thể làm được điều ý nghĩa mà mình đã mong muốn”.
Chia sẻ sâu hơn về quyết định này, chị Trần Thị Kim Liên kể: “Hai vợ chồng tôi đã có 19 lần hiến máu tình nguyện. Cũng có lần, chúng tôi chạy trong đêm xuống Quy Nhơn để hiến máu cho một trường hợp được kêu gọi. Ngẫm nghĩ về phút quyết định cho một mạng sống của con người và những điều mà mình có thể làm, chúng tôi nghĩ đến việc hiến bộ phận cơ thể người sau khi mất đi. Nhiều người hỏi: Có thấy sợ không, tôi trả lời ngay là không sợ. Mình mất đi rồi, còn có thể giúp được người khác, có gì phải sợ”.
Kêu gọi những trường hợp chết não
Tại buổi tập huấn bồi dưỡng về kiến thức hiến, lấy, ghép tạng tại Bình Định vào cuối tháng 9 vừa qua, ông Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người cho rằng: Bình Định cần phải tiến hành vận động đối với các trường hợp chết não được người nhà xin đưa về nhà.
Ông Sơn trao đổi thêm: “Tôi biết rằng, trong trường hợp bệnh nhân chết não, gia đình vô cùng đau buồn, bối rối, việc vận động sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm có ý nghĩa quan trọng đối với công tác vận động hiến mô, tạng. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa bệnh viện và Hội CTĐ tỉnh trong bước này. Tức là, sau khi có kết luận bệnh nhân chết não, cán bộ Hội CTĐ, nhân viên công tác xã hội của bệnh viện sẽ thực hiện vận động người thân bệnh nhân theo đúng quy định pháp luật. Mục tiêu đặt ra là ít nhất phải vận động gia đình đồng ý hiến giác mạc”.
Để có cơ sở cho việc tổ chức điều phối hiến, lấy, ghép tạng công khai, minh bạch theo quy định pháp luật, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người phối hợp với các bệnh viện tại Bình Định xây dựng danh sách chờ ghép tạng (tập trung vào thận, gan, tim, phổi, tụy, ruột). Đến cuối năm 2019, Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người sẽ tiếp tục làm việc, trao đổi với các bệnh viện tại Bình Định về kết quả lấy danh sách chờ ghép để phối hợp tiến hành những bước tiếp theo.
NGUYỄN MUỘI