Truy trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Công thương về thủy điện
Ngày 19.11, mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội, nhiều đại biểu (ĐB) bày tỏ tán thành việc loại bỏ được hơn 400 thủy điện.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cho rằng: Đã có nhiều quyết liệt trong thực hiện, tạo kết quả tốt ở nhiều lĩnh vực, đáp ứng được mong đợi của cử tri. Đặc biệt kỳ này đã có báo cáo quy hoạch thủy điện, tới đây QH có nghị quyết để chấn chỉnh quy hoạch thủy điện, đây là chuyển động rất tốt.
Xả lũ sai phải truy cứu hình sự
Tuy nhiên, hầu hết các ĐBQH đều cho rằng, việc thực hiện các lời hứa còn chậm, chưa hiệu quả. ĐB Nguyễn Thái Học nói điển hình là giải quyết khó khăn của bà con vùng thủy điện, có trách nhiệm rất lớn của Bộ Công thương. Tỷ lệ hộ nghèo ở những vùng này rất cao, đời sống khó khăn cả về mùa khô và càng khổ về mùa lũ như đang diễn ra ở miền Trung, Tây Nguyên. Dù Quốc hội đã có Nghị quyết về vấn đề này, thậm chí Chủ tịch Quốc hội gợi ý trích một phần lợi nhuận của các công trình thủy điện để chăm lo cho bà con. Nghị quyết chất vấn cả kỳ họp 3, 4 đều giao Bộ Công thương tham mưu cho Chính phủ ban hành chính sách cho đồng bào nghèo vùng tái định cư thủy điện, chậm nhất trong năm 2013. Nhưng đến nay vẫn chưa ban hành. Đáng buồn hơn là ngay tại kỳ họp này, trả lời 2 chất vấn, Bộ Công thương đã cho đó là trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp-phát triển nông thôn (NN-PTNT).
Theo ĐB Học, đây là vấn đề được ĐBQH nêu ra nhiều trong các kỳ họp. Quốc hội cũng đã ban hành Nghị quyết yêu cầu trong năm 2013 ban hành chính sách dành cho bà con nghèo vùng thủy điện. "Chúng tôi đã báo cáo cử tri, bà con rất vui. Nhưng giờ thì không biết báo cáo với bà con thế nào. Đề nghị Quốc hội xem xét trách nhiệm của Bộ Công thương trong vấn đề này", ông Học nói.
Buổi chất vấn sáng nay đã “nóng” lên với những ý kiến đòi truy trách nhiệm Bộ trưởng Bộ Công thương trong vấn đề thủy điện. ĐB Đỗ Văn Đương (TPHCM) nói: Chúng ta ngồi đây khi đồng bào miền Trung đang ngập chìm trong lũ, mà nguyên nhân một phần do thiên tai. Tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương phải có quy trình xả lũ của thủy điện, bắt buộc thực hiện, không được cố tình tích nước để xả lũ gây thiệt hại. Đã có quy định thì bắt buộc phải làm, làm sai thì truy cứu hình sự. Không thể chấp nhận vì lợi ích nhỏ, vì vài tỷ đồng tiền lãi từ thủy điện mà tích nước rồi bắt đồng bào ở hạ lưu gánh hết khi xả lũ.
Phải có giải pháp căn cơ cho vùng bão lũ
ĐB Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) cũng nói: Ngay giờ phút này, bà con miền Trung, Tây Nguyên đang bị khốn khổ vì lũ lụt. Chính phủ nỗ lực phòng tránh bão lũ, cử 2 Phó Thủ tướng vào chống lũ cùng đồng bào. Nhân dân cả nước cũng sát cánh bên bà con vùng lũ. Nhưng người dân mong Quốc hội, Chính phủ có giải pháp thật căn cơ để bảo đảm đời sống bà con vùng lũ. Nếu không căn cơ thì dù có cử các Phó Thủ tướng vào chống lũ thì năm nào vẫn xảy ra thiên tai, nhân tai, đời sống của bà con thì ngày càng khốn khổ. Không có giải pháp căn cơ thì Phó Thủ tướng đi, lũ lại về.
Theo ĐB Nguyễn Văn Phúc, cần quy hoạch lại vùng nông thôn, miền núi bị bão lũ gắn với xây dựng nông thôn mới. Quy hoạch lại thủy điện thủy lợi. Không thể chấp nhận xả lũ mà nhân dân không thể biết, rồi sau đó cứ tranh luận xem trách nhiệm của ai. Phải điều tra làm rõ, xử lý nghiêm để làm gương. Không thể nhìn hàng chục người dân bị chết, hàng trăm tỷ đồng của bà con bị lũ cuốn mà không ai bị xử lý cả.
Theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT, Thực hiện Nghị quyết 40 của Quốc hội, Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Công thương đã tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện di dân, tái định cư ở thủy điện. Trên cơ sở khảo sát, đánh giá, Bộ đang chỉ đạo xây dựng đề án về vấn đề này, tháng 12-2013 sẽ nghiệm thu. Trên cơ sở đó, Bộ NN-PTNT sẽ trình Chính phủ đề án, kèm theo chính sách giải quyết khó khăn theo tinh thần Nghị quyết của Quốc hội. Kèm theo đó, trình chính sách sửa đổi về công tác di dân, tái định cư.
Phát biểu cuối buổi chất vấn sáng nay, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo sát sao hơn trong lĩnh vực thủy điện, trong đó có trách nhiệm xả lũ.
. Theo PHAN THẢO (SGGP)