Lên phương án đảm bảo an toàn cho người bệnh
Chiều 10.11, Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng cho biết, Sở yêu cầu các đơn vị trực thuộc khẩn trương rà soát phương án sẵn sàng ứng phó với bão số 6, đặc biệt tại các khu vực có nguy cơ ngập sâu, xảy ra lũ quét, sạt lở đất…, nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Triển khai các phương án bảo vệ cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người bệnh, nhân viên y tế, thuốc, trang thiết bị y tế. Đồng thời, thường xuyên theo dõi, cập nhật các thông tin về diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động triển khai các biện pháp đối phó kịp thời.
Sở cũng đã họp khẩn và kiểm tra trực tiếp công tác đảm bảo y tế ứng phó với cơn bão số 6 tại một số cơ sở điều trị tại các vùng nguy cơ, như Phù Cát, An Nhơn, Tuy Phước, xã đảo Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) và các huyện miền núi. Qua báo cáo và kiểm tra thực tế cho thấy, các đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai phương án ứng phó với bão theo phương châm “4 tại chỗ”; chủ động rà soát, điều chỉnh phương án sơ tán, di dời trang thiết bị y tế và người bệnh khi xảy ra ngập lụt, sập đổ để nhanh chóng cấp cứu, điều trị cho nạn nhân, bệnh nhân trong mọi tình huống.
Các cơ sở điều trị trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung và cấp cứu cho nạn nhân do ảnh hưởng của bão, mưa lũ; chuẩn bị các đội cấp cứu lưu động hỗ trợ tuyến dưới. “Đặc biệt, các đơn vị y tế phải đảm bảo điều kiện cấp cứu, điều trị an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; giảm thiểu thiệt hại cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Trường hợp khẩn cấp, di dời bệnh nhân đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, chuẩn bị đủ nước uống, thực phẩm trong 48 giờ cho nhân viên y tế và người bệnh, hỗ trợ bệnh nhân nghèo. Quan trọng nhất, các cơ sở điều trị sẵn sàng máy phát điện dự phòng, xăng, dầu, đèn sạc dự phòng, đèn dầu; thuốc và vật tư y tế; tăng nhân lực trực bão....”, ông Lê Quang Hùng nhấn mạnh.
Ngoài ứng phó chủ động trước và trong thời điểm bão số 6 đổ bộ, nhiệm vụ quan trọng nữa của ngành Y tế là khắc phục hậu quả, sẵn sàng với công tác xử lý vệ sinh môi trường, dịch bệnh sau bão. Sở Y tế đã yêu cầu các TTYT rà soát toàn bộ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị phòng chống bão lụt, phòng chống dịch; đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, hóa chất xử lý nước, xử lý môi trường cho các trạm y tế; chỉ đạo cung ứng viên khử khuẩn nước cho người dân vùng có nguy cơ ngập lụt để xử lý nước sinh hoạt; vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, đề phòng dịch bệnh có thể phát sinh.
MAI HOÀNG