Phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa
Trong mùa mưa, vô số vi sinh vật gây bệnh theo nước tràn ra làm ô nhiễm môi trường, lây lan mầm bệnh. Vì vậy, thấy nước rút đến đâu cần tổng vệ sinh ngay đến đó để nhà cửa nhanh sạch sẽ, khô ráo. Cố gắng khơi thông ao tù, vùng nước đọng nhằm loại bỏ sự sinh sản của muỗi và quản lý tốt chất thải để hạn chế mầm bệnh lây lan. Ở những nơi chưa có nước máy thì cần vệ sinh sạch sẽ giếng khơi, sát trùng bằng Cloramin B để làm sạch nước.
Trong vấn đề ăn uống, đứng hàng đầu là bệnh tiêu chảy cấp sẽ lây lan nhanh nếu không ngăn chặn kịp thời, nhất là với trẻ em nếu dùng nước ăn, uống không hợp vệ sinh. Bên cạnh đó là tiêu chảy do vi khuẩn thương hàn, lỵ, E.coli, Campylobacter... liên quan đến vệ sinh môi trường, vệ sinh thực phẩm và nước uống dùng trong sinh hoạt. Khi có người bị tiêu chảy cấp, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để điều trị kịp thời.
Các loại bệnh về da trong mùa mưa thường hay gặp là bệnh “nước ăn chân” (nấm kẽ chân), gây lở, với triệu chứng đau ngứa rát. Sau khi lội nước, hãy lau khô kẽ chân. Nếu đã bị nước ăn chân, cần đến ngay cơ sở y tế để chữa trị. Vào mùa mưa, môi trường ẩm ướt khiến nấm dễ phát triển trên da, nhất là vùng bẹn (hay gặp là lác, hắc lào). Bệnh này dễ lây truyền khi phơi chung khăn tắm, quần áo. Khi mắc bệnh cần tự giác đi khám bác sĩ để được chữa trị triệt để, đồng thời điều trị cho cả những người ở gần. Bệnh ghẻ cũng dễ phát sinh và lây lan nhanh, cần đi khám sớm.
Trong những ngày mưa, bệnh đau mắt đỏ càng tăng do môi trường sinh hoạt bị ô nhiễm. Bệnh rất dễ lây lan vì ngay trong thời gian ủ bệnh, vi rút đã có khả năng lây truyền, thậm chí, ngay cả khi đã khỏi, bệnh nhân vẫn có thể lây cho người khác trong vòng một tuần tiếp theo. Để phòng tránh bệnh này, phải chú ý giữ vệ sinh cá nhân, tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh. Không nên dùng chung khăn, chậu rửa mặt, tránh dụi mắt... Nếu bị bệnh cần nghỉ 7 - 10 ngày để cách ly và điều trị dứt điểm, tránh lây cho người khác.
THÙY VY (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)