Đình làng, dấu xưa - dáng nay
Những năm gần đây, nhiều ngôi đình tại các vùng quê trong tỉnh đã được khôi phục sau thời gian hoang phế. Đây là nét đẹp trong ứng xử văn hóa theo hướng bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa vật chất và tinh thần tốt đẹp của dân tộc.
Biểu diễn nghệ thuật trong ngày khánh hạ đình làng An Thường, ở thôn An Thường 2, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân.
Xã hội hóa khôi phục đình làng
Ngày 9.12.2011, nhân dân thôn An Thường 2, xã Ân Thạnh, huyện Hoài Ân tưng bừng đón lễ khánh hạ đình làng An Thường sau nhiều năm mong đợi. Đình mới được xây dựng uy nghi trên nền đình cũ, với diện tích được mở rộng nhiều lần, nhờ tấm lòng tự nguyện hiến đất xây đình của người dân trong vùng.
Theo các bậc cao niên, An Thường theo địa bạ là “khách hộ ấp”, tức là làng do người nơi khác đến lập. Do vậy, đi liền với lập làng là dựng đình để thờ thần Hoàng làng và các bậc tiền hiền, hậu hiền. Đồng thời, với chức năng như mọi đình làng Việt, đây còn là nơi diễn ra sinh hoạt văn hóa - xã hội của dân làng.
“Một số đình làng đã được khôi phục nhưng hoạt động chưa thật sự phong phú. Ngoài những dịp mang tính chất lễ hay hội họp, đình làng cần tổ chức thêm phần hội mang dáng dấp như hội làng hằng năm. Đây là một cách phát huy vai trò chủ thể, sáng tạo của nhân dân, khuyến khích các trò chơi dân gian truyền thống và hoạt động văn hóa văn nghệ, thể thao quần chúng… để đình làng xứng đáng là trung tâm văn hóa của một cộng đồng dân cư”.
Tiến sĩ ĐINH BÁ HÒA, Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh
Ông Trần Đình Tân, Trưởng Ban quản lý đình làng An Thường, chia vui: “Bao đời nay, ngôi đình này đã gắn chặt với đời sống tâm linh người dân An Thường. Sau khi hòa bình lập lại, nhân dân trong vùng đã góp sức xây lại đình với quy mô nhỏ, để tiếp tục sinh hoạt tín ngưỡng và văn hóa. Còn đình mới này có được cũng là nhờ sự đóng góp của nhân dân An Thường gần xa, trong đó phần lớn từ lòng hảo tâm của gia đình liệt sĩ Trần Đình Châu”.
Với hơn 2 tỉ đồng từ nguồn xã hội hóa, tháng 4.2011, đình làng Vạn An - ở thôn Vạn An, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ - cũng được khởi công xây dựng. Ngày 28.12.2011, đình làng Vạn An khánh thành trong niềm hân hoan của nhiều người dân nơi đây. Trong khuôn viên hơn 4.500m2, ngoài đình còn có miếu thanh minh, cây thị cổ thụ và nhà văn hóa của đình làm nơi hội họp, tiếp khách… Đối diện đình là chùa Quan Âm. Sự hiện diện của đình, chùa, cây cổ thụ tạo cho làng Vạn An một nét bình yên, trầm mặc.
Hằng năm, đình Vạn An có 3 dịp lễ chính: cúng xuân kỳ vào ngày Giỗ tổ vua Hùng mùng 10.3 âm lịch, cúng thu tế vào Lễ Quốc khánh 2.9 và Tết Nguyên đán. Cụ Đặng Thanh Ba, 84 tuổi, Trưởng Ban quản lý đình, cho biết: “Những hoạt động lớn của đình hầu hết diễn ra trùng vào các dịp lễ, tết để tạo điều kiện cho bà con, con cháu Vạn An xa gần hay khách thập phương có điều kiện về chung vui với làng. Có đình mới, từ già đến trẻ ai cũng phấn khởi, thường xuyên đến thăm, thắp hương, quét dọn và kể về đình làng mình với niềm tự hào”.
Một số đình làng khác trong tỉnh cũng được khôi phục chủ yếu từ nguồn xã hội hóa, như đình Vinh Thạnh (xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước), đình Mỹ Thuận (xã Tây Bình, huyện Tây Sơn), đình làng Mỹ Đức gắn với miếu thờ ông Văn Phong (xã Tây An, huyện Tây Sơn)… Ngôi đình Cẩm Thượng nổi tiếng ở TP Quy Nhơn cũng đang được lập dự án phục dựng.
Đi cùng nhịp sống hôm nay
Chưa đầy 1 giờ đến thăm đình Vạn An, chúng tôi gặp trên 10 người dân đến nơi này. Họ thắp hương, quét dọn sân đình, hay đơn giản chỉ là dừng nghỉ chân, đắm mình trong không gian trang nghiêm mà thân thuộc, ấm cúng. Bà Huỳnh Thị Hằng, ở đội 10, thôn Vạn An, xã Mỹ Châu, cho biết: “Có đình mới, đường làng cũng được mở rộng, thuận tiện cho việc đi lại, chúng tôi phấn khởi lắm! Hơn một năm qua, tai nạn giao thông ở đây giảm nhiều so với trước, ngoài chấp hành tốt pháp luật giao thông, bà con tin rằng một phần nhờ có đình che chở”.
Việc tôn tạo, khôi phục đình làng xuất phát từ nhu cầu đời sống của nhân dân và cũng chính họ tham gia, hưởng ứng mạnh mẽ nhất. Với bề dày và ý nghĩa lịch sử của mình, nhiều đình làng trong tỉnh sau khi được khôi phục đã được công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Đình làng xưa được đặt dưới sự quản lý của làng, trở thành di tích được xếp hạng, việc bảo vệ và phát huy vẫn tiếp tục được đặt dưới sự quản lý của làng và phù hợp với Luật Di sản văn hóa.
Tương tự như nhà rông của đồng bào dân tộc thiểu số, đình làng là ngôi nhà chung của cư dân mỗi làng xã. Trong thực tế, nhìn nhận về đình làng tùy thời điểm lịch sử có sự khác nhau về quan điểm, giữa một bên là tàn tích lỗi thời cần xóa bỏ và một bên là nét văn hóa cần kế thừa, phát huy.
Trên tinh thần “gạn đục khơi trong”, để phù hợp với đời sống văn hóa mới, nội dung tín ngưỡng và sinh hoạt của đình cũng phong phú và nhân văn hơn. Ngoài thờ Thành hoàng, đình làng còn thờ, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ của quê hương, đồng thời là nơi hội họp của các tổ chức quần chúng. Xưa, phụ nữ không được vào chính cung của đình làng; nay thì nam nữ bình đẳng, mọi người đều có quyền tham gia lễ bái… Thuần phong, mỹ tục được phát huy, những hủ tục từng bước bị loại bỏ.
SAO LY - ĐÌNH PHÙNG