Ứng phó với bão số 6: Bảo vệ người dân, hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất
Chiều tối 10.11, bão số 6 bắt đầu ảnh hưởng trực tiếp đến Bình Ðịnh, gây sóng gió mạnh, mưa lớn. Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết lúc 18 giờ ngày 10.11, tâm bão số 6 nằm trên vùng biển các tỉnh từ Bình Ðịnh đến Khánh Hòa. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - 10 (75 - 100 km/h), giật cấp 13.
Từ sáng sớm đến chiều tối qua, nhiều đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đã trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc việc ứng phó với bão số 6.
Công tác sẵn sàng ứng phó với bão được ngành chức năng, chính quyền các địa phương trong tỉnh khẩn trương thực hiện nhằm giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra, trong đó có việc chú trọng đảm bảo an toàn cho người dân, đặc biệt khu vực ven biển, ven sông, đầm, khu vực miền núi.
Bão chồng bão
Chiều 10.11, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng kiểm tra công tác di dời, đưa người dân trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn ở thôn Trung Lương, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát; thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước. Trước đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu đã đi kiểm tra tình hình triển khai các giải pháp chủ động ứng phó bão số 6 tại cảng cá Đề Gi (huyện Phù Cát), cảng cá Tam Quan (huyện Hoài Nhơn) và xã Phước Sơn (huyện Tuy Phước).
Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng kiểm tra công tác di dời, đưa người dân trong vùng nguy hiểm ở thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước đến nơi an toàn.
Tại thôn Trung Lương, xã Cát Tiến, Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Nguyễn Trung Kiên báo cáo: Huyện đã tổ chức di dời 469 hộ/1.775 người dân sinh sống ở những vùng trũng thấp, vùng bị sạt lở đất đá tại các xã: Cát Nhơn, Cát Minh, Cát Tiến… và yêu cầu đồng bào tuyệt đối không trở lại nhà khi bão chưa tan. Huyện cũng đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, nước uống hỗ trợ người dân, tổ chức lực lượng, phương tiện tại các điểm xung yếu để sẵn sàng khi có lệnh.
Tại huyện Tuy Phước, công tác đảm bảo an toàn cho người dân sinh sống ở những vùng nguy hiểm cũng đã được chính quyền địa phương triển khai khẩn trương và hiệu quả. Đến chiều 10.11, có hơn 70 hộ dân ở thôn Diêm Vân có nhà ở ven sông đã được chính quyền địa phương sơ tán đến nơi an toàn. Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước Nguyễn Đình Thuận cho biết: Đêm 10.11, chúng tôi huy động và bố trí lực lượng thanh niên xung kích, dân quân tự vệ tại các điểm xung yếu để ứng phó với bão số 6.
Đến thăm những người dân tại nơi ở tạm, Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quốc Dũng chỉ đạo cán bộ địa phương phải đảm bảo sức khỏe, điều kiện sinh hoạt cơ bản cho bà con; đồng thời động viên người dân trước tiên phải giữ an toàn cho bản thân, đặc biệt phải chăm sóc thật chu đáo các cháu bé; nhà cửa ruộng vườn sau khi bão qua mới tính tiếp. Trao đổi nhanh với lãnh đạo các địa phương, Chủ tịch UBND tỉnh liên tục nhắc nhở, đây là cơn bão nguy hiểm, khó lường, chúng ta đang ở trong tình thế “bão chồng bão” nên phải hết sức khẩn trương, nhưng cũng phải chu đáo, cẩn thận.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền phòng tránh bão số 6 tại cảng cá Tam Quan.
Sáng 10.11, sau khi đi kiểm tra tình hình sắp xếp neo đậu tàu thuyền tại các cảng cá, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu yêu cầu các ngành liên quan, chính quyền địa phương theo dõi sát sao diễn biến bão số 6 để kịp thời triển khai các giải pháp xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra trong khi bão đổ bộ; nhất là vận động ngư dân giằng thêm neo tàu an toàn, tránh va đập gây chìm hoặc hư hỏng.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu nhấn mạnh: “Rút kinh nghiệm trong cơn bão số 5 vừa rồi, nhiều tàu cá của ngư dân hư hỏng nặng do trôi neo đến nay chưa khắc phục được. Vì vậy, không thể chủ quan, lơ là dù đã đưa tàu về nơi tránh trú bởi bão chồng bão. Riêng 4 tàu cá vỏ thép neo đậu tại cầu cảng Đề Gi, yêu cầu chủ tàu phải di chuyển tàu đến khu vực neo đậu sâu phía trong cảng, nếu không thì bão vào nguy cơ va vỡ cầu cảng Đề Gi là rất lớn”.
BĐBP tỉnh giúp người dân xã Mỹ An (Phù Mỹ) kéo tàu thuyền vào khu vực an toàn. Ảnh: HỒNG PHÚC
Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Trọng Hổ cho biết: “So với trước đây và nhiều địa phương khác, nhờ được tuyên truyền, động viên tốt, người dân trong tỉnh chấp hành việc rời khỏi lồng bè nuôi thủy sản trên biển, hồ, đầm rất tốt. Thuyền viên trên các tàu cá neo đậu tránh trú bão cũng được yêu cầu lên bờ tránh bão. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là di dời người dân sống ở các vùng xung yếu, vùng có nguy cơ bị sạt lở, lũ lụt đến nơi an toàn.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cho hay: “Huyện đã thực hiện xong công tác đảm bảo an toàn tàu cá, di dời người dân đến nơi an toàn và cưỡng chế đưa 2 người dân nuôi thủy sản trên biển ở xã Hoài Hải vào đất liền vào sáng 10.11”.
Nhiều hộ dân ở thôn Diêm Vân, xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước, đã rời nhà vào ngôi chùa trong làng để tránh trú bão số 6.
Huyện Tuy Phước là địa phương thường xuyên chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng mưa lũ, nhất là các xã khu Đông như Phước Thuận, Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thắng. Nhằm đảm bảo an toàn tính mạng của người dân khi bão vào sẽ gây mưa lớn, kèm theo lũ lớn, huyện này đã sớm hoàn thành công tác sơ tán các hộ dân sống trong vùng xung yếu đến nơi tránh trú an toàn tại trạm y tế, trường học, nhà văn hóa, trụ sở thôn.
Bà Trương Thị Định, ở thôn Lộc Thượng, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, chia sẻ: “Nhà tôi ọp ẹp, lại nằm giữa đầm nên mưa xuống là bị ngập, có nguy cơ sập khi có bão. Bữa giờ nhờ cán bộ xã xuống hỗ trợ chằng chống nhà cửa, rồi dọn dẹp đồ đạc đưa vợ chồng tôi đến ở tạm tại trường học nên tôi thấy an tâm hơn”.
Kiểm tra tình hình nơi ở tránh trú bão của người dân xã Phước Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Châu động viên bà con nên ở lại tránh trú để đảm bảo an toàn cho đến khi hết bão. Đồng thời chỉ đạo huyện Tuy Phước, chính quyền xã Phước Sơn phải quan tâm cung cấp đầy đủ lương thực, thực phẩm, nước uống để các hộ dân sử dụng trong thời gian tạm trú tránh bão.
Khẩn trương sơ tán dân đến nơi an toàn
Sáng 9.11, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh (PCTT&TKCN) đã có công điện khẩn gửi các sở, ngành, huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực hiện việc kiểm đếm tàu thuyền, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra…
Theo thượng tá Nguyễn Văn Lĩnh, Phó Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh, lực lượng BĐBP phối hợp các ngành liên quan, chính quyền các địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu đảm bảo an toàn tại các cảng cá trong tỉnh. Đồng thời hỗ trợ các địa phương di dời người dân sống tại các vùng xung yếu đến nơi an toàn.
Người dân xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn chằng chống nhà cửa ứng phó bão số 6.
Tại xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn, toàn bộ 32 bè/900 lồng nuôi tôm hùm đã được ngư dân đưa về neo đậu tại đầm Mai Hương. Người dân nuôi cá lồng trên biển tại KV 9, phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn cũng đã chủ động gia cố lại lồng, bè nuôi cá của mình.
Từ sáng 10.11, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định đã có văn bản gửi UBND các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Tuy Phước, Phù Cát và TX An Nhơn về việc điều tiết hồ chứa nước Định Bình (Vĩnh Thạnh) để đón lũ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Côn - Hà Thanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, việc cấm biển đã được thực hiện từ chiều 8.11.
Đến cuối giờ chiều 10.11, tỉnh Bình Định đã tổ chức sơ tán 2.604 hộ/9.757 người dân đến nơi an toàn, cụ thể: huyện Phù Mỹ 767 hộ/3.414 người, Hoài Nhơn 491/1.798, Phù Cát 469/1.775, Tuy Phước 312/1.506, Quy Nhơn 215/819, Tây Sơn 248/487, Hoài Ân 45/180, Vân Canh 44/176, An Lão 13/52.
N. NHUẬN - N. HÂN - T. SỸ