Bắt đầu xử phạt xe không dán thẻ cố tình đi vào làn thu phí không dừng
Từ hôm nay (11.11), những xe chưa dán thẻ thu phí tự động không dừng cố tình đi vào làn đường đã phân loại phương tiện sẽ bị xử lý vi phạm.
Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN-Bộ GTVT) cho biết, bắt đầu từ hôm nay (11.11), những xe ô tô chưa dán thẻ thu phí tự động không dừng (ETC) nhưng vẫn cố tình đi vào làn đường đã được phân loại phương tiện cho thu phí tự động không dừng sẽ bị xử lý.
Khẳng định các nhà đầu tư trạm thu phí BOT đã triển khai thực hiện việc lắp đặt các biển báo hiệu trên giá long môn, sơn phân làn…. tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) nhìn nhận, các phương tiện chưa chấp hành nghiêm đi theo biển báo phân làn cho loại xe của mình khi qua trạm, gây ùn tắc cục bộ, giảm năng lực thông xe cho các làn thu phí không dừng (ETC).
Để bảo đảm giao thông an toàn, thông suốt, Tổng cục ĐBVN yêu cầu đối với các nhà đầu tư BOT đường bộ, Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) bố trí đủ người điều hành giao thông, hướng dẫn các xe đi đúng làn dành riêng (chú ý tư thế tác phong, có băng đỏ, biển hiệu, còi, cờ…); tổ chức tuyên truyền đến các lái xe (phát loa trực tiếp tại trạm, phát tờ rơi…)
Các Cục quản lý đường bộ khu vực chuẩn bị, tổ chức một tổ công tác (là công chức thanh tra) phối hợp với lực lượng Cảnh sát giao thông để xử lý các vi phạm về việc dừng, đỗ, không tuân thủ đi đúng làn đường, hiệu lệnh của người điều hành giao thông…. tại các trạm thu phí (khi có kế hoạch của Tổng cục Đường bộ).
Thu phí không dừng trước nguy cơ bị dừng khi chưa đầu tư VETC bất ngờ xin trả lại dự án cho Bộ GTVT.
Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ giao Vụ Pháp chế-Thanh tra chủ trì phối hợp với Vụ An toàn giao thông tổ chức kiểm tra hiện trường các trạm thu phí về việc triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của Tổng cục, kịp thời chấn chỉnh và có biện pháp xử lý đối với đơn vị chậm triển khai thực hiện.
Tổng cục Đường bộ cũng đề nghị Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) phối hợp kiểm tra xử lý các vi phạm tại trạm thu phí đồng thời dự thảo Kế hoạch phối hợp kiểm tra xử lý các vi phạm (bắt đầu 11.11 thực hiện tại một số trạm thu phí trên các tuyến Quốc lộ trọng điểm).
Liên quan đến vấn đề trên, Bộ GTVT cho biết, dự thảo của nghị định thay thế Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt (chuẩn bị ban hành), trong đó quy định hành vi điều khiển xe chưa gắn thẻ đầu cuối đi vào làn đường dành riêng thu tiền dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng tại các trạm thu phí bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng, tước quyền sử dụng bằng lái xe 1-3 tháng. Nếu gây tai nạn giao thông, tài xế bị tước bằng lái xe 2-4 tháng.
Để đẩy nhanh tiến độ triển khai hệ thống thu phí không dừng, Bộ GTVT đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và một số ngân hàng thương mại có giải pháp bảo đảm tính liên thông tài khoản cá nhân tại các ngân hàng với tài khoản giao thông để tạo sự thuận lợi cho người sử dụng, minh bạch tài chính và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.
Thu phí không dừng trước nguy cơ bị dừng
Trong khi đó, mới đây, Công ty TNHH thu phí tự động VETC (gọi tắt là Công ty VETC - đơn vị lắp đặt và vận hành hệ thống thu phí tự động), đơn vị được Bộ GTVT ký hợp đồng độc quyền cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng giai đoạn 1 sau 05 năm “ôm” và “ngâm” dự án thu phí tự động không dừng vừa có văn bản xin thôi không làm dự án nữa.
Theo đó, VETC đề nghị Bộ GTVT lựa chọn nhà đầu tư khác nhận chuyển giao dự án hoặc Nhà nước nhận lại dự án này để tiếp tục triển khai. Hoặc Bộ GTVT có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin ý kiến chỉ đạo hoặc cho dừng hợp đồng và thực hiện các thủ tục phá sản doanh nghiệp trong tháng 12.2019 trong trường hợp những tồn tài và khó khăn nêu trên không được giải quyết.
Nếu bắt buộc phải tiếp tục thực hiện dự án, VETC đề nghị Bộ GTVT chia sẻ rủi ro, bù doanh thu thiếu hụt so với phương án tài chính của hợp đồng dự án.
Nhiều câu hỏi đã được dư luận đặt ra trong những ngày qua khi nghe thông tin trên. Tại sao một chủ trương đúng lại khó triển khai như vậy? Việc trì hoãn thu phí tự động không dừng liệu có xuất phát từ lợi ích kinh tế của chủ đầu tư BOT hay lợi ích nhóm nào đó. Sau khi “ôm” dự án 5 năm trời, đến hạn cuối (31.12.2019) khi không làm được thì quay ra trả dự án.
Theo Phi Long (VOV.VN)