Sách giáo khoa mới sẽ tăng giá
Theo kế hoạch dự kiến, trong tháng 11 này Bộ GDĐT sẽ công bố sách giáo khoa (SGK) lớp 1 phù hợp với Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới. Nhiều vấn đề đang được đặt ra: Giá SGK sẽ ra sao? Giáo viên sẽ phải thích ứng với việc giảng dạy theo SGK như thế nào?
Chưa quyết định giá cụ thể
Tại Hội thảo về đổi mới Chương trình và SGK giáo dục phổ thông khu vực phía Bắc do Nhà Xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam tổ chức vừa rồi, ông Lê Hoàng Hải - Phó Tổng Giám đốc NXB Giáo dục Việt Nam cho hay giá SGK mới sẽ cao hơn giá sách hiện hành. Theo đó, SGK hiện hành đang là sách độc quyền, chịu sự quản lý và điều chỉnh giá của rất nhiều ban ngành, nên giá thành rất rẻ. Song khi một chương trình cho phép lưu hành nhiều SGK thì các NXB đều phải hạch toán, tự cân đối đầy đủ chi phí, nên chắc chắn giá sẽ cao hơn sách hiện hành. Với một chương trình có nhiều bộ sách được sử dụng đồng thời, trong khi số lượng học sinh chỉ từng đó, nên số lượng sách do mỗi nhà xuất bản in ra cho mỗi bộ sách sẽ thu hẹp lại.
Trong số 5 bản mẫu SGK lớp 1 theo Chương trình GDPT mới qua vòng 2 thẩm định, NXB Giáo dục Việt Nam có 4 bản mẫu. Bản mẫu SGK còn lại thuộc về 2 NXB của ĐH Sư phạm Hà Nội và ĐH Sư phạm TPHCM. Hiện các NXB đang chờ Bộ GDĐT hoàn thiện các thủ tục cuối cùng để công bố các bản SGK đạt yêu cầu trước dư luận.
Trước những băn khoăn về việc SGK mới sẽ tăng giá, ông Hải nhận định rằng, chắc chắn trong những năm đầu, NXB sẽ không có lời thậm chí có thể lỗ. Nhưng câu chuyện đầu tư chất lượng là một chặng đường dài. NXB sẽ có vị trí, uy tín và có thể bù đắp được lợi nhuận ở những năm sau. Ở thời điểm này, vấn đề giá sách vẫn chưa được quyết định, bởi chưa có đủ dữ kiện để xây dựng giá. Giá sách còn phụ thuộc và đánh giá thị trường, số lượng xuất bản thế nào thì giá sẽ ra sao. Sau khi Bộ GDĐT công bố những bộ SGK mới, các NXB sẽ còn tiếp tục đào tạo, tập huấn, giới thiệu và làm marketing, từ đó xây dựng kế hoạch dự kiến, xây dựng giá bán và triển khai in ấn. Tuy nhiên, về việc tăng giá SGK ảnh hưởng tới học sinh các vùng điều kiện sống còn khó khăn, ông Hải cho hay phía NXB cũng có phần trách nhiệm. Hàng năm NXB Giáo dục Việt Nam đều có các chương trình tặng sách cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Cùng với đó, trong kế hoạch triển khai Chương trình GDPT mới, Bộ GDĐT cũng có một khoản ngân sách để cung cấp sách cho học sinh các vùng khó khăn.
Các Sở GDĐT quan tâm đến việc lựa chọn sách
Theo các chuyên gia giáo dục, bộ SGK mới thể hiện được nhiều điểm tích cực. GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội phân tích, do có nhiều sách, bộ sách cho một môn học nên Bộ GDĐT quản lý chất lượng SGK thông qua thông tư hướng dẫn quy trình biên soạn, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn SGK để sử dụng trong nhà trường phổ thông.
TS Nguyễn Văn Cường- ĐH Postdam, Cộng hòa Liên bang Đức cho biết, sự khác biệt giữa chương trình SGK định hướng phát triển năng lực (chương trình mới) và chương trình SGK định hướng phát triển nội dung (chương trình hiện hành) là không chỉ truyền thụ kiến thức cho học sinh mà còn giúp học sinh biết vận dụng kiến thức, tiếp nối các tri thức với nhau để giải quyết tình huống của thực tiễn.
Trong thời điểm hiện tại, khi việc triển khai chương trình GDPT mới đã cận kề, các Sở GDĐT đang mong muốn Bộ GDĐT sớm công bố các bản SGK đạt yêu cầu. Ông Chử Xuân Dũng - Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội cho biết, việc lựa chọn bộ sách nào để tổ chức dạy và học tại Hà Nội là vấn đề Sở đang quan tâm. Theo quy định, sách được lựa chọn thuộc danh mục SGK đã được Bộ trưởng Bộ GDĐT phê duyệt để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông; tổ chức lựa chọn SGK công khai, minh bạch, có tham khảo ý kiến của các cơ sở giáo dục phổ thông. Với Hà Nội, SGK được lựa chọn phải phù hợp với điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội trong toàn thành phố để sử dụng ổn định, tránh lãng phí. Ngoài ra phải đảm bảo các yêu cầu: Chọn đủ SGK cho các môn học, hoạt động giáo dục ở các khối, lớp phù hợp với việc dạy và học của giáo viên và học sinh địa phương; Đảm bảo nguồn cung ứng SGK được lựa chọn theo nhu cầu học sinh và các cơ sở giáo dục phổ thông; Cung cấp đúng thời điểm và giá bán hợp lý.
Ông Chử Xuân Dũng cũng chia sẻ, các bộ SGK có chất lượng cao rất đáng ghi nhận, nhưng điều không kém phần quan trọng là truyền tải đến học sinh sao cho có hiệu quả. Nhiệm vụ đó, không phải ai khác ngoài đội ngũ giáo viên.
Về vấn đề này, GS Đinh Quang Báo nhận định giáo viên phải nắm vững chương trình môn học. Khi giảng dạy SGK mới đòi hỏi giáo viên phải nghiên cứu, phân tích để nắm vững Chương trình GDPT mới và chương trình môn học. Song song với đó, giáo viên phải phân tích được yêu cầu cần đạt từng chủ đề nội dung dạy học, tức là “giải mã” các hoạt động từ hành động để xác định được mức độ nhận thức, thiết kế chuỗi các hoạt động học tập để tổ chức học sinh tìm hiểu nội dung, qua đó rèn luyện phẩm chất, năng lực cụ thể. Chuỗi các hoạt động học tập có thể được tổ chức cho học sinh thực hiện theo logic khám phá, giải quyết vấn đề, theo mô hình trải nghiệm, mô hình 5E, theo hướng dẫn cấu trúc bài học tại Thông tư 5555/BGDĐT-TrH.
Giáo viên cũng cần có kỹ năng thiết kế các hoạt động học tập thường được biểu đạt bằng các câu hỏi, bài tập, bài toán, dự án, đề tài khoa học; Phân tích SGK để có thể điều chỉnh, bổ sung khi chuyển đổi kịch bản SGK thành giáo án/kế hoạch bài học cho phù hợp với điều kiện môi trường giáo dục, dạy học và đặc điểm học sinh. Điều chỉnh, bổ sung SGK chủ yếu là các hoạt động học tập vì các hoạt động học tập vừa được định hướng bởi yêu cầu cần đạt của chương trình, vừa là công cụ để dạy học phân hóa đối tượng học sinh, để phù hợp với môi trường, hoàn cảnh nhà trường và địa phương.
Theo Dung Hòa (daidoanket.vn)