Liên thông kết quả xét nghiệm: Còn “tắc” ở nhiều khâu
Liên thông kết quả xét nghiệm giảm thiểu thời gian, lãng phí tiền bạc cho người bệnh, cơ sở y tế cũng được lợi nhờ giảm quá tải bệnh nhân. Thế nhưng, khi triển khai liên thông tại các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh còn “tắc” ở nhiều khâu.
Phòng xét nghiệm đạt chuẩn của khoa Vi sinh (BVĐK tỉnh).
Chuẩn hóa, chất lượng xét nghiệm: Yếu!
Rất nhiều ý kiến than phiền về việc người bệnh đã đến khám chữa bệnh ở bệnh viện này, nhưng khi muốn chuyển sang điều trị tại một bệnh viện khác, lại phải làm lại các xét nghiệm từ đầu, với những quy trình giống nhau khiến người bệnh vừa vất vả, mất thời gian chờ đợi lại vừa tốn kém vô ích, không cần thiết.
Các cơ sở y tế chưa công nhận kết quả xét nghiệm của nhau với rất nhiều lý do. Th.S Trịnh Hồ Tình, Trưởng khoa Vi sinh (BVĐK tỉnh) cho biết, có rất nhiều loại xét nghiệm mà kết quả xét nghiệm có thể thay đổi theo từng giờ, từng ngày. Có những xét nghiệm có thể dùng ngay nhưng cũng có nhiều xét nghiệm buộc phải làm lại; nhiều kết quả xét nghiệm chỉ để “tham khảo” cho chẩn đoán ban đầu. Liên thông kết quả xét nghiệm không nên cứng nhắc, bởi căn cứ vào biểu hiện lâm sàng của người bệnh có nhiều xét nghiệm bác sĩ cần làm lại để đảm bảo tính chính xác, chuyên sâu hơn, đặc biệt với bác sĩ ở bệnh viện tuyến sau là người đưa ra các quyết định điều trị và chịu trách nhiệm về sức khỏe của bệnh nhân.
Với 3 bộ phận xét nghiệm huyết học, vi sinh và sinh hóa, Giám đốc BVĐK tỉnh Hồ Việt Mỹ cho rằng, xét nghiệm là chỉ định không thể thiếu, là “con mắt thần” giúp bác sĩ phát hiện tổn thương, bệnh lý trong cơ thể người bệnh. Việc liên thông kết quả xét nghiệm tạo thuận lợi cho cả bệnh nhân và bác sĩ. Nhưng vấn đề quan trọng nhất vẫn là hiệu quả điều trị và an toàn cho người bệnh. Chất lượng xét nghiệm phụ thuộc vào hai yếu tố chính: Máy móc và con người. Do đó, khó khăn lớn nhất hiện nay khiến các bệnh viện chưa thực hiện liên thông là chất lượng xét nghiệm.
Số lượng xét nghiệm tại các cơ sở y tế tăng bình quân 10 - 15%/năm. Theo quyết định của Bộ Y tế, danh mục xét nghiệm áp dụng liên thông kết quả gồm 65 xét nghiệm vi sinh, huyết học, hóa sinh; qua đó giúp giảm 5 - 10% chi phí xét nghiệm. Bác sĩ Trần Kỳ Hậu, Giám đốc TTYT TP Quy Nhơn chia sẻ, bình quân mỗi tháng đơn vị chúng tôi thực hiện 22.000 xét nghiệm, việc liên thông kết quả xét nghiệm chỉ thực hiện nội bộ trung tâm và các trạm y tế có khám chữa bệnh.
Rõ ràng liên thông kết quả xét nghiệm là cơ sở quan trọng để hạn chế sự phiền hà, lãng phí cho người dân khi khám, chữa bệnh. Nhưng đến nay, hầu hết các cơ sở y tế ở tỉnh ta còn yếu về khâu chuẩn hóa tiêu chuẩn xét nghiệm, quản lý chất lượng phòng xét nghiệm nên mức độ tin cây chưa cao. Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng khẳng định, liên thông là cần thiết nhưng chất lượng điều trị vẫn là quan trọng nhất, bởi vậy hiện chưa thể công nhận kết quả xét nghiệm giữa các bệnh viện.
Muốn liên thông kết quả, phòng xét nghiệm của cơ sở y tế cần đạt chuẩn nhất định theo yêu cầu của Bộ Y tế.
Có đồng bộ mới liên thông được
Bộ Y tế đặt ra lộ trình, đến năm 2020 liên thông kết quả xét nghiệm trong phạm vi tuyến tỉnh và liên thông toàn quốc vào năm 2025. Điều kiện để được liên thông là bệnh viện phải có phòng xét nghiệm hợp chuẩn ISO 15189 (tiêu chuẩn quốc tế quy định các yêu cầu về năng lực và chất lượng đối với các phòng xét nghiệm y tế).
Tuy nhiên, theo Sở Y tế, toàn bộ 68 phòng xét nghiệm trên địa bàn tỉnh ta, hiện chưa có cơ sở nào hợp chuẩn ISO 15189. Một kênh đánh giá khác để có thể công nhận kết quả các phòng xét nghiệm tối thiểu phải được đánh giá, công bố chất lượng theo Quyết định 2429/QĐ-BYT ngày 12.6.2017 của Bộ Y tế, với 5 mức chuẩn về chất lượng xét nghiệm thay cho ISO 15189. Các tiêu chí này đòi hỏi nghiêm ngặt về tổ chức và quản lý phòng xét nghiệm; tài liệu và hồ sơ; nhân sự; cung cấp dịch vụ và quản lý khách hàng; trang thiết bị - vật tư; quản lý quá trình và chất lượng xét nghiệm, an toàn sinh học…
Xét theo kênh này thì đến nay, chỉ phòng xét nghiệm của BVĐK tỉnh được công nhận đạt mức 4, công tác ngoại kiểm được thực hiện bởi các đơn vị đánh giá độc lập, bài bản. Theo ông Trịnh Hồ Tình, đạt chuẩn đã khó, giữ được chuẩn còn căng thẳng hơn về bài toán kinh tế lẫn nhân lực. Ngay cơ sở đã đạt chuẩn, nếu trang thiết bị không được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên cũng khó bảo đảm kết quả xét nghiệm chính xác. Chưa kể, hóa chất xét nghiệm của các bệnh viện khác nhau, nhân lực trình độ khác nhau, có thể cho ra kết quả khác nhau.
Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa TS Vũ Tuấn Anh, cho hay, có những kết quả cận lâm sàng chúng tôi có thể chấp nhận kết quả từ bệnh viện tuyến tỉnh của Bình Định. Tuy nhiên, cần có đơn vị kiểm định chất lượng trung gian để thực hiện kiểm định năng lực xét nghiệm, chất lượng xét nghiệm của các cơ sở thực hiện liên thông.
Theo ông Lê Quang Hùng, để liên thông kết quả xét nghiệm trên địa bàn tỉnh, trước hết các phòng xét nghiệm phải chuẩn hóa hệ thống xét nghiệm và đạt chất lượng theo cùng một hệ thống tiêu chuẩn dùng chung. Đây là tiêu chuẩn đầu tiên để các cơ sở có thể công nhận kết quả lẫn nhau, cũng như đảm bảo chất lượng của các kết quả xét nghiệm. “Để làm được điều đó, các cơ sở phải nâng mức chất lượng xét nghiệm, chuẩn hóa hệ thống xét nghiệm. Ưu tiên thời gian tới là đầu tư đồng bộ thiết bị, nhân lực - nếu không làm được việc này khó mà nói liên thông xét nghiệm”, ông Hùng nhấn mạnh.
THU HIỀN