CÔNG TY TNHH MTV NGUYÊN LIÊM:
Cam kết thu mua hết mì nguyên liệu
Từ đầu tháng 11 đến nay, Công ty TNHH MTV Nguyên Liêm (nhà máy đặt tại làng Hòn Mẻ, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh) đã tăng cường mua mì nguyên liệu, nhằm giải quyết hết lượng mì tồn đọng do nông dân thu hoạch tránh mưa lũ.
Đưa mì nhập vào bãi nguyên liệu của Nhà máy mì Nguyên Liêm.
Ông Mai Đình Chương, Phó Giám đốc phụ trách vùng nguyên liệu của Công ty TNHH MTV Nguyên Liêm, cho hay: Nhằm giải quyết hết lượng mì nguyên liệu tồn đọng trên địa bàn tỉnh do nông dân thu hoạch sau bão số 5 và trước bão số 6, thời điểm này, mỗi ngày nhà máy mua khoảng 600 tấn mì nguyên liệu để sản xuất. Trong đó, riêng của nông dân ở huyện Vân Canh khoảng hơn 100 tấn/ngày. Để giảm bớt thiệt hại cho người trồng mì, nhà máy ưu tiên mua cho các bà con ở vùng bị bão, lũ gây thiệt hại; đồng thời cam kết không để bất cứ trường hợp nào bị ứ đọng, thanh toán tiền mặt một lần sau khi đưa mì nhập vào bãi nguyên liệu của nhà máy.
Theo tính toán của bà con nông dân, với giá mì như hiện nay, trồng mì thu lãi cao hơn so với trồng rừng nguyên liệu giấy. Cụ thể, 1 ha đất trồng keo sau 5 - 6 năm cho lãi bình quân 60 - 70 triệu đồng, trong khi đó 1 ha mì sau 10 -12 tháng cho thu hoạch khoảng 30 - 35 tấn, với giá hiện nay 2,25 triệu đồng/tấn (mì 30 độ bột) thì bà con có lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/ha.
“Hiện tại, mì nguyên liệu được nhà máy mua với giá 2,25 triệu đồng/tấn (mì có hàm lượng tinh bột 30%); 1,875 triệu đồng/tấn (hàm lượng tinh bột 25%); 1,5 triệu đồng/tấn (hàm lượng tinh bột 20%). Trong thời gian sau bão số 6, nhà máy tiếp tục thu mua hết lượng mì bị thiệt hại do bão lũ gây ra trên địa bàn tỉnh. Nông dân thu hoạch đến đâu nhà máy thu mua đến đó không qua thủ tục trung gian, mất thời giờ của bà con” - ông Chương khẳng định.
Thời điểm này, về các xã dọc tuyến QL 19C như Canh Hiệp, Canh Thuận, Canh Hòa…, bà con nông dân đang hối hả thu hoạch mì nguyên liệu để bán cho nhà máy. Ông Đoàn Văn Bảy, ở làng Hòn Mẻ, xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, cho biết: “Vụ mì năm nay, gia đình tôi làm 1 ha mì. Từ đầu tháng 11 đến nay, liên tiếp 2 cơn bão xảy ra làm mì bật gốc nhiều quá nên tôi phải thu hoạch sớm để tránh bị thiệt hại. Qua cân nhập bán cho nhà máy mì tại địa phương, được nhà máy tính toán gom mua với giá 2,25 triệu đồng/tấn mì tươi. Tôi thu hoạch được 35 tấn, lãi ròng gần 35 triệu đồng. Tôi rất mừng vì 2 năm nay giá mì ổn định ở mức cao, trồng mì có lãi khá. Hiện, tôi đang chuẩn bị làm đất để xuống giống vụ mới!”.
Cùng chung niềm vui được mùa, được giá, anh Ranlan Hùng, người làng Canh Lãnh, xã Canh Hòa, Vân Canh, phấn khởi: Giữa lúc bão lũ xảy ra liên tiếp nhưng được cái giá mì nguyên liệu ở mức cao nên nông dân ai cũng vui. Gia đình tôi cũng vừa thu hoạch 2 ha mì được gần 70 tấn củ. Với giá mì hơn 2 triệu đồng/tấn, nông dân cầm chắc lãi hơn 30 triệu đồng/ha. Bây giờ khi so sánh hiệu quả kinh tế giữa cây mì với cây keo thì ai cũng chọn cây mì. Vì lẽ cây mì trồng chỉ trong 12 tháng là thu hoạch, trong khi cây keo kéo dài đến 6 - 7 năm.
Theo Công ty TNHH MTV Nguyên Liêm, riêng trên địa bàn huyện Vân Canh, hiện nhà máy đã đầu tư phát triển hơn 300 ha mì nguyên liệu, tập trung tại các xã Canh Thuận, Canh Hòa, Canh Hiệp, Canh Hiển, Canh Liên… Năm nay, nhờ nông dân tập trung các biện pháp chăm sóc, đưa các giống mì mới vào sản xuất nên năng suất đạt khá, bình quân 30 tấn/ha. Với giá thu mua ở mức cao như hiện nay, mỗi ha mì nông dân có thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/ha, sau khi trừ chi phí còn lãi từ 35 - 40 triệu đồng/ha. Để giải quyết hết lượng mì tồn đọng cho nông dân, nhà máy tích cực thu mua nguyên liệu với giá hấp dẫn để nông dân có lãi và gắn bó lâu dài với nhà máy.
“Bên cạnh việc thu mua hết mì nguyên liệu cho nông dân, công ty cũng sẽ hỗ trợ giống mì mới, phân bón, tăng cường tập huấn, hướng dẫn quy trình kỹ thuật trồng thâm canh, rải vụ, nhằm nâng cao năng suất. Bên cạnh đó, công ty cũng cam kết đưa ra giá thu mua nguyên liệu hợp lý, đảm bảo cho người trồng mì có lãi ở mức từ 30% trở lên”, ông Mai Đình Chương, Giám đốc Nhà máy mì Nguyên Liêm, nói.
NGUYỄN HÂN