Những hiện vật “ngủ sâu”
Câu chuyện về Bảo tàng Bình Ðịnh cũ kỹ, chật hẹp, tạm bợ đã được đặt ra trong suốt hơn 20 năm qua. Loay hoay với câu chuyện đi ở, xây mới hay tiếp nhận một tòa nhà nào đó khiến hàng nghìn tư liệu, hiện vật gần như không có cơ hội đến với công chúng.
Hiện tại, Bảo tàng Bình Định đang cất giữ hơn 12.000 tư liệu, hiện vật thuộc các chủ đề như: Văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Champa, thời Nguyễn, thời Tây Sơn, kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, mẹ Việt Nam anh hùng, các anh hùng lực lượng vũ trang, văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định... Trong đó có rất nhiều hiện vật đặc biệt quý nhưng cơ hội được trưng bày rất ít.
Dù được trưng bày ngoài trời nhưng đây vẫn là những hiện vật may mắn có cơ hội đến với công chúng.
Hiện vật quý “ngủ sâu”
Bảo tàng Bình Định đang giữ 4 bảo vật quốc gia, gồm: Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini, phù điêu thần Brahma, cặp tượng chim thần Garuda diệt rắn. Ông Bùi Tĩnh, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Bình Định, cho biết: Năm 2003, với sự đồng ý của Chính phủ, Bộ VH-TT&DL, tỉnh Bình Định đã cho Bảo tàng lịch sử Viên (Áo) và Bảo tàng Hoàng gia về nghệ thuật và lịch sử Bruxelles (Bỉ) mượn bức phù điêu nữ thần Mahishasuramardini và phù điêu thần Brahma trưng bày tại triển lãm với chủ đề “Việt Nam quá khứ và hiện tại”. Theo nguyên tắc và đúng thông lệ quốc tế, các hiện vật đều phải được bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm phải hoàn tất trước khi các phù điêu lên đường sang châu Âu. Và vào thời điểm đó, Nhà nước Áo và Bỉ đã mua bảo hiểm cho mỗi hiện vật với giá 200 nghìn USD. Không chỉ từ phía Việt Nam, các nhà nghiên cứu, chuyên gia của Áo và Bỉ đã thăm thú tìm hiểu nhiều nơi trên cả nước để chọn, mượn hiện vật, 2 bức phù điêu kể trên được xếp vào nhóm ưu tiên hàng đầu. Kể ra dài dòng như vậy chỉ để nói một điều rằng 2 bức phù điêu bảo vật quốc gia của Bảo tàng Bình Định quý giá đến cỡ nào. Vậy như cả hai đều được bảo vệ trưng bày hoàn toàn không khác gì so với tất cả những hiện vật còn lại.
Phù điêu nữ thần Mahishasuramardini.
Bên cạnh đó, bảo tàng còn lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật về văn hóa, lịch sử, con người Bình Định như: Tuồng, bài chòi dân gian, cồng chiêng... Hay nói cô đọng như Giáo sư Simon Milne - Giám đốc Viện nghiên cứu Du lịch NewZealand, mỗi hiện vật ở đây đều chứa trong mình những câu chuyện thâm thúy ý nghĩa cần phải được lưu lại, kể ra cho hậu thế.
Cần được đối xử đúng tầm
Sở hữu khối lượng tư liệu, hiện vật đồ sộ, giá trị và phong phú các chủ đề nhưng hiện tại Bảo tàng Bình Định chỉ có thể trưng bày, triển lãm một phần nhỏ, thậm chí buộc lòng phải làm cả một việc mà một số nơi sẽ không làm ấy là trưng bày ngoài trời.
Phù điêu thần Brahma.
Hiện tại, Bảo tàng Bình Định chia không gian trưng bày hiện vật thành 3 khu: Sân trước, nhà trưng bày, sân sau, trong đó nhà trưng bày có tổng diện tích 840 m2, sân trước và sân sau có khoảng 200 m2. Vì diện tích nhà trưng bày khiêm tốn nên nhiều tác phẩm điêu khắc Champa được trưng bày ngoài trời, không được che chắn bảo vệ. Hơn nữa, nói là trưng bày nhưng những hiện vật được đặt ở sân sau của Bảo tàng chẳng khác nào cất giữ ngoài trời vì thật ra không còn nơi để cất nữa. Mà đó cũng mới là tháng 7 vừa qua, Bảo tàng có xây kệ đặt để dễ coi hơn chứ trước đó, sân đất nơi này khá nhớp. Nhưng dù sao đó cũng là những hiện vật, bởi phần còn lại lớn hơn rất nhiều vẫn “ngủ sâu” trong kho.
Tại lớp bồi dưỡng “Phát triển sản phẩm du lịch”, GS Simon Milne, Giám đốc Viện nghiên cứu Du lịch New Zealand có nói: “Khách đi tham quan, du lịch đến một nước hay một tỉnh nào đó sẽ đến bảo tàng trước tiên để có cái nhìn tổng quát về bề dày văn hóa, lịch sử, sự phát triển của vùng đất đó. Bảo tàng là thiết chế văn hóa của xã hội”. Tuy nhiên, bên cạnh việc loay hoay với câu chuyện về tấm áo mới cho Bảo tàng 20 năm nay, các hoạt động tuyên truyền, thu hút du khách của Bảo tàng Bình Định vẫn đứng yên bên cạnh cơ sở vật chất ngày càng xuống cấp, và những hiện vật vẫn không được phát huy giá trị.
Ông Bùi Tĩnh cho biết: Thời gian qua chúng tôi có làm catalogue, in sách để giới thiệu cho khách tham quan tại Bảo tàng. Đồng thời phối hợp với Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn tổ chức cho học sinh học tập, tìm hiểu tại Bảo tàng. Đồng thời tại phòng trưng bày, chúng tôi sử dụng ánh sáng, phối cảnh, màu nền để tôn giá trị hiện vật. Dù vậy vì diện tích quá hẹp lại không được đầu tư nên dù chủ đề các tư liệu, hiện vật tại Bảo tàng rất phong phú chúng tôi cũng không thể tổ chức các buổi trưng bày chuyên đề giới thiệu đến du khách. Nếu muốn trưng bày thì phải làm ở ngoài trời, phải che mưa che nắng cho hiện vật, rất khó khăn. Do vậy việc liên kết với các bảo tàng khác đến giao lưu, trao đổi cũng rất khó.
THẢO KHUY