Ngân hàng bất ngờ hạ lãi suất tiền gửi
Mấy ngày qua, một số ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất huy động 0,1 - 0,2% một năm dù mùa kinh doanh cao điểm đến gần.
Thông thường lãi suất tiền gửi vào những tháng cuối năm sẽ tăng để các ngân hàng hút vốn phục vụ nhu cầu vay của khách. Nhưng tại VietCapital Bank từ đầu tháng 11, lãi suất kỳ hạn 7 tháng từ 7,8% mỗi năm đã giảm xuống còn 7,6% một năm, các kỳ hạn khác cũng giảm 0,1% một năm. Ngoài ra, lãi suất cao nhất tại ngân hàng này giảm 0,1 điểm phần trăm xuống mức 8,5% thay vì 8,6% một năm như trước đó (áp dụng cho các kỳ hạn 24 - 60 tháng).
Tương tự, Eximbank công bố biểu lãi suất mới hiệu lực từ 7.11, trong đó điều chỉnh giảm ở nhiều kỳ hạn. Chẳng hạn, lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn 15 tháng, 18 tháng tại quầy giảm 0,2 điểm phần trăm xuống mức 8,1% một năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,1 điểm phần trăm xuống 7,7% mỗi năm.
Giao dịch tiền gửi tại một chi nhánh ngân hàng cổ phần. Ảnh: QH
Tại VPBank, biểu lãi suất áp dụng từ 8/11 cũng thay đổi một số kỳ hạn. Theo đó, khách gửi tại quầy 6 tháng, lãi suất giảm 0,1 điểm phần trăm xuống 7,2-7,5% một năm. Tương tự, khi gửi online, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng cao nhất là 7,5% mỗi năm, thấp hơn so với mức 7,6% một năm trước đó.
Nhưng bên cạnh đó, trên thị trường có một số ngân hàng lại thực hiện động thái tăng lãi suất huy động. Chẳng hạn như NCB tăng mạnh lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dưới 24 tháng từ 0,1 - 0,8 điểm phần trăm. Theo đó, kỳ hạn 6 tháng được nhà băng này nâng từ 7,4% lên 8% mỗi năm, kỳ hạn 9 tháng tăng từ 7,5% lên 8,1% một năm, kỳ hạn 12 tháng từ mức 8% lên 8,2% và kỳ hạn 24 tháng tăng vọt từ 8% lên 8,7% một năm.
Ngoài ra, trước đó nhiều ngân hàng cũng liên tục tăng lãi suất tiền gửi và ghi nhận nhiều mốc cao mới. Hiện với kỳ hạn 13 tháng, lãi suất tiết kiệm cao nhất lên tới 9,4% mỗi năm thuộc về Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB) dành cho các khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng. Tiếp đến là Ngân hàng Sài Gòn (SCB) áp dụng mức lãi cao nhất lên tới 8,76 một năm với số tiền gửi từ 10 tỷ đồng trở lên...
Đại diện Ngân hàng Bản Việt cho rằng, việc điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi lần này nằm trong định hướng phát triển của ngân hàng cũng như thực hiện theo chủ trương chung của Ngân hàng Nhà nước.
Trong khi đó, Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần có trụ sở phía nam nhìn nhận, kinh tế ổn định, lạm phát vẫn thấp, cơ hội để lãi suất giảm vẫn còn. Các ngân hàng còn dư địa để cắt giảm tiếp lãi suất.
Ngoài ra, theo ông năm nay các ngân hàng cũng bị khống chế room tín dụng tăng 14%, nhưng hiện nhiều ngân hàng đã tăng gần hết room, thậm chí vượt nên buộc thời gian tới phải tăng trưởng tín dụng chậm lại. "Do đó, việc dần dần từng bước cắt giảm lãi suất huy động là cách tốt để các đơn vị tiết kiệm chi phí", lãnh đạo ngân hàng nói.
Nhìn nhận về diễn biến trái chiều của lãi suất huy động giữa các ngân hàng, nhiều chuyên gia cho rằng, việc các nhà băng thay đổi lãi suất huy động có lẽ xuất phát từ nhu cầu về vốn khác nhau. Một số giảm nhẹ lãi suất tiền gửi là để cơ cấu lại nguồn vốn, trong khi số khác tăng lên có thể do nhu cầu cho vay lớn, nên họ tăng cường hút vốn. Tuy nhiên, nhìn chung mặt bằng lãi suất vẫn ở mức cao, và đã có nhiều ngân hàng nâng lãi suất lên sát 9% một năm.
Mới đây, phát biểu tại Quốc Hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt mục tiêu giảm ít nhất 0,5% lãi suất cho vay trong năm 2020, nhất là đối với những lĩnh vực ưu tiên.
Theo báo cáo của SSI Research, trong ngắn hạn từ giờ đến cuối năm, lãi suất trên thị trường 1 vẫn khó giảm do tính mùa vụ. Dù một số nhà băng công bố điều chỉnh giảm nhẹ 0,1- 0,2 điểm phần trăm trên biểu lãi suất nhưng mức lãi suất thực tế không có nhiều thay đổi và mức giãn cách giữa các nhóm ngân hàng vẫn rất rộng.
Theo Lệ Chi (VnE)