Nâng cao nhận thức pháp luật cho ngư dân
Thời gian qua, bên cạnh việc thực thi Luật Thủy sản, ngành chức năng và chính quyền các địa phương ven biển trong tỉnh tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật cho ngư dân nhằm nâng cao hiệu quả việc khắc phục “thẻ vàng” thủy sản của Ủy ban châu Âu (EC).
Cùng với việc kiểm soát tàu cá, hoạt động khai thác thủy sản (KTTS), tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân, hạn chế tình trạng vi phạm vùng biển nước ngoài.
Lực lượng chức năng của tỉnh tuần tra, kiểm soát tàu cá ra vào cảng cá Quy Nhơn.
Ngư dân Nguyễn Việt Hằng, ở phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn, chủ 3 tàu đánh bắt thủy sản xa bờ, cho biết: “Các chủ trương, pháp luật của Nhà nước đều được ngành Thủy sản thường xuyên tuyên truyền, phổ biến để ngư dân biết và thực hiện. Tôi trực tiếp làm thuyền trưởng tàu vỏ thép, còn 2 tàu kia phải thuê tài công, dù vậy tôi vẫn thường xuyên giữ liên lạc với các tàu của mình, căn dặn anh em KTTS phải tuân thủ các quy định pháp luật”.
Tương tự, ngư dân Võ Văn Toàn, ở xã Hoài Mỹ, huyện Hoài Nhơn, thuyền trưởng tàu cá BĐ 98239 TS, cho hay: “UBND xã thường xuyên tổ chức tuyên truyền Luật Thủy sản, ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài cho chủ tàu, thuyền trưởng. Nhiều quy định mới như: Chứng chỉ thợ máy, quy định cải hoán tàu cá dưới 15 m, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình… được ngành Thủy sản, Ban quản lý các cảng cá, BĐBP tỉnh thường xuyên phổ biến, hướng dẫn kịp thời nên chúng tôi nắm bắt thực hiện cũng nhanh hơn trước”.
“Bình Ðịnh cũng như các tỉnh, thành ven biển cả nước đã quyết liệt thực hiện các giải pháp thực thi Luật Thủy sản, chống khai thác IUU theo 4 nhóm khuyến nghị của EC, gồm: Khung pháp lý; hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác. Nghị định 42 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản với mức phạt tăng lên 1 tỷ đồng đối với tàu cá có chiều dài từ 24 m trở lên vi phạm vùng biển nước ngoài (tàu cá của tổ chức mức phạt 2 tỷ đồng) sẽ mang tính răn đe đối với ngư dân có ý định vi phạm vùng biển nước ngoài”.
Bà Phan Thị Huệ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra (Tổng cục Thủy sản, Bộ NN&PTNT)
Tam Quan Bắc là địa phương có đội tàu đánh bắt thủy sản lớn nhất huyện Hoài Nhơn với 1.095 tàu, trong đó có 995 tàu đánh bắt xa bờ. Ông Trương Quang Minh, Chủ tịch UBND xã Tam Quan Bắc, cho biết: “Cứ mỗi dịp đầu năm, xã tổ chức gặp mặt các chủ tàu, thuyền trưởng để phổ biến Luật Thủy sản, ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, xã cũng xử lý nghiêm các chủ tàu, thuyền trưởng vi phạm vùng biển nước ngoài, vì thế dần dần mọi việc đã nền nếp hơn”.
Đến nay, tỉnh Bình Định đã tổ chức 57 lớp tập huấn triển khai Chỉ thị 45 của Thủ tướng Chính phủ về chống khai thác IUU và Luật Thủy sản cho cán bộ làm công tác quản lý và hơn 3.500 chủ tàu, thuyền trưởng. Xây dựng 20 pa nô tuyên truyền chống khai thác IUU tại cảng cá Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan; tổ chức cho 3.100 chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài… Cùng với việc thực thi Luật Thủy sản, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, ngăn chặn việc ngư dân KTTS bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU) và khẩn trương khắc phục những tồn tại trong thực hiện các khuyến nghị của EC.
Giám đốc Sở NN&PTNT Phan Trọng Hổ cho biết: Chúng tôi đang xây dựng danh mục nghề cấm KTTS của tỉnh để tham mưu UBND tỉnh ban hành; phối hợp chính quyền các địa phương đẩy mạnh việc vận động ngư dân lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định; hướng dẫn và giám sát việc cải hoán tàu cá hoạt động vùng khơi nhưng dưới 15 m theo quy định... Đồng thời phối hợp với CA tỉnh, BĐBP tỉnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát hoạt động KTTS; củng cố hồ sơ để xử phạt các trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, với các trường hợp vi phạm sau ngày 5.7.2019 sẽ áp dụng mức xử phạt rất cao theo Nghị định 42.
ĐOÀN NGỌC NHUẬN