“Tả khuynh” và “hữu khuynh”
Đây là hai từ Việt gốc Hán. Trong đó, “tả” là “bên trái” (tả ngạn: bờ bên trái), “hữu” là “bên phải” (hữu ngạn: bờ bên phải; tả xung hữu đột: xông bên trái, đánh bên phải), “khuynh” là “nghiêng” (khuynh đảo: làm nghiêng ngã; khuynh hướng: nghiêng về phía; khuynh gia bại sản: nhà cửa nghiêng đổ, tài sản tiêu tán). Tả khuynh có thể hiểu là “nghiêng về bên trái”, hữu khuynh là “nghiêng về bên phải”. Trong tiếng Việt, có hai từ tương đương là cánh tả và cánh hữu.
Về ý nghĩa, hai từ trên bắt nguồn từ vị trí sắp xếp chỗ ngồi trong Hội nghị Ba đẳng cấp khai mạc vào ngày 5.5.1789 tại cung điện Versailles (Pháp) do nhà vua Louis XVI triệu tập. Trong hội nghị này, những người ủng hộ nhà vua và chế độ quân chủ ngồi bên phải, còn những người phản đối nhà vua và ủng hộ cách mạng ngồi bên trái. Dần dần, hai khái niệm trên được dùng rộng rãi và mang ý nghĩa khái quát hơn. Trong lĩnh vực chính trị, khái niệm hữu khuynh/cánh hữu được dùng để chỉ thành phần có xu hướng bảo thủ, khái niệm tả khuynh/cánh tả thì được dùng để chỉ thành phần có xu hướng cấp tiến.
Liên quan đến “khuynh”, tiếng Việt còn có từ khuynh thành. Đây là dạng rút gọn của thành ngữ gốc Hán khuynh thành khuynh quốc, có thể hiểu là “làm nghiêng thành đổ nước”, cụ Nguyễn Du trong Truyện Kiều chuyển dịch thành nghiêng nước nghiêng thành (câu 27). Thành ngữ này vốn là một điển cố, bắt nguồn từ sách Hán thư. Chuyện rằng, Hán Vũ Đế tìm mãi mà chưa được người đẹp ưng ý. Một nhạc sư trong Nhạc phủ là Lý Diên Niên có người em gái rất xinh đẹp. Một hôm, được triệu vào cung biểu diễn, ông hát: “Bắc phương hữu giai nhân/Tuyệt thế nhi độc lập/Nhất cố khuynh nhân thành/Tái cố khuynh nhân quốc” (Phương Bắc có người đẹp/Thế gian chỉ riêng một nàng/Ngoảnh lại một lần, nghiêng thành người ta/Ngoảnh lại một lần nữa, nghiêng nước người ta). Vua hỏi, công chúa Bình Dương trả lời rằng đó là em gái của Lý Diên Niên. Vua liền cho triệu vào cung và hết sức sủng ái.
Th.S PHẠM TUẤN VŨ