Quy hoạch mạng lưới trường lớp: Còn nhiều băn khoăn
Thực hiện Nghị quyết số 28/2013/NQ-HÐND của HÐND tỉnh về Quy hoạch mạng lưới trường, lớp học (mầm non và phổ thông) đến năm 2020, ngành GD&ÐT tỉnh đã có những thay đổi tích cực, giúp nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số địa phương vẫn còn nhiều băn khoăn về việc tuyển dụng biên chế, bố trí quỹ đất để xây dựng, phát triển trường lớp.
Những thay đổi tích cực
Việc thực hiện quy hoạch mạng lưới trường lớp học bậc mầm non, phổ thông đã đạt được nhiều kết quả, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: Việc xây dựng bổ sung và thay thế phòng học theo quy hoạch đã góp phần xóa và tránh tái diễn tình trạng học sinh phải học ca 3, xóa 100% các phòng học nhờ, mượn tạm; từng bước tăng cường cơ sở vật chất, đáp ứng nhu cầu học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục phổ thông mới; giảm tối đa điểm lẻ đối với bậc mầm non, tiểu học; trường học được chuẩn hóa theo hướng kiên cố hóa, đảm bảo theo tiêu chuẩn, trường lớp học ngày càng khang trang, sạch, đẹp, thân thiện.
Phòng chức năng, khu luyện tập, vui chơi cho học sinh dần được đầu tư xây dựng bài bản.
- Trong ảnh: Học sinh chơi thể thao ở nhà đa năng Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Bình Định.
So với năm học 2012 - 2013, đến năm học 2018 - 2019 đã giảm 18 trường, trong đó thành lập mới 16 trường và sáp nhập 34 trường. Đặc biệt, ngành tập trung giảm số điểm lẻ, sáp nhập trường lớp để học sinh có điều kiện học tập ở ngôi trường có cơ sở vật chất tốt hơn, đồng thời phân bổ, sắp xếp vị trí việc làm cho cán bộ, giáo viên các trường sáp nhập hợp lý.
Ông Trần Hữu Tường, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, cho biết: Ngoài sáp nhập trường lớp để giảm đầu mối, tinh giản biên chế, học sinh có điều kiện học tập tốt hơn, chúng tôi còn tính toán sắp xếp vị trí việc làm tạo sự đồng thuận, đến nay việc quy hoạch mạng lưới trường lớp tại Tuy Phước dần ổn.
Chuyện của ngành GD&ÐT bất ngờ lại liên quan đến ngành Y tế. Ông Ðào Ðô My, Trưởng Phòng Y tế TP Quy Nhơn, chia sẻ: Cán bộ y tế trường học rất quan trọng, họ vừa là người sơ cấp cứu cho các em nếu chẳng may có sự cố, vừa là người truyền thông phòng chống dịch bệnh cho cả trường. Nhưng đến năm 2016 thì cấp mầm non không có cán bộ y tế mà toàn bộ là kiêm nhiệm. Bậc mầm non là cấp học có nhiều rủi ro nhất, các cháu còn quá nhỏ, chưa thể làm chủ bản thân. Do vậy chúng tôi mong muốn cấp biên chế cố định cho cán bộ y tế trường học.
Từ năm học 2015 - 2016, nhằm chăm sóc học sinh tốt hơn, Trường mẫu giáo An Vinh, xã An Vinh, huyện An Lão tính đến chuyện sáp nhập một số điểm lẻ để tổ chức bếp ăn bán trú, dù sẽ gặp khó khăn vì đường đi không thuận tiện. Nhà trường vận động cha mẹ các cháu ở thôn 5 và một số cháu ở thôn 2 về học ở điểm trường thôn 3. Nhờ tính toán lộ trình dài hơi nên ở huyện An Lão, nhiều trường không chỉ tổ chức được bán trú ở điểm chính, mà còn ở các điểm lẻ, điển hình như ở xã An Vinh.
Ngoài việc sáp nhập các trường có cùng cấp học, một số nơi còn sáp nhập 2 bậc học như huyện Hoài Nhơn sáp nhập Trường Tiểu học Hoài Phú và Trường THCS Hoài Phú thành Trường TH&THCS Hoài Phú. Theo ông Hà Hùng Phong, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Hoài Phú, trường gồm 1 điểm chính và 4 điểm lẻ, điểm lẻ xa nhất cách điểm chính 4 km, do vậy không quá khó để quản lý các điểm ở 2 cấp học. Mỗi cấp học, mỗi điểm trường đều được huyện trang bị đầy đủ phòng học, trang thiết bị, phòng chức năng. Đồng thời nhà trường đang xây 8 phòng học ở điểm trường cấp tiểu học - Mỹ Bình A để triển khai thực hiện đề án xây dựng bán trú tại điểm trường này.
Còn nhiều trăn trở
Bà Hồ Thị Phi Yến, Trưởng Phòng Giáo dục mầm non - tiểu học (Sở GD&ĐT), cho biết: Ở cấp tiểu học, theo quy định, mỗi lớp tối đa chỉ có 35 học sinh nhưng bây giờ ngay như ở địa bàn thành phố, thị xã, thị trấn, con số này cao hơn nhiều. Dù vậy, theo kế hoạch tinh giảm biên chế của Sở Nội vụ, vẫn phải tiếp tục giảm cơ học 10%, nên thời gian tới cấp tiểu học có thể sẽ rất khó khăn trong việc triển khai dạy 2 buổi/ngày.
Cũng vì không đủ phòng học, thiếu giáo viên nên hiện tỷ lệ trẻ ra lớp bậc mầm non của Bình Định tương đối thấp so với mặt bằng chung của cả nước. Theo thống kê của Sở GD&ĐT, số trẻ huy động ra lớp ở lớp nhà trẻ đạt 20%, mẫu giáo đạt 79,5% so với số trẻ trong dân.
Ông Ngô Vĩnh Thái, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phù Mỹ, cho biết: Số trẻ trong dân chưa đến trường lớp còn khá nhiều, tuy nhiên bên cạnh khó khăn trong việc xây dựng trường, việc tuyển dụng giáo viên cũng không hề dễ dàng. Năm 2017, chúng tôi đặt mục tiêu tuyển dụng 88 chỉ tiêu, trong đó mầm non 61 chỉ tiêu, tiểu học 24 chỉ tiêu, THCS 3 chỉ tiêu, nhưng đến nay mới bắt đầu thi. Năm 2017 thiếu từng đó, nhưng nay thì số lượng thiếu đã tăng lên rất nhiều.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Quy Nhơn, chia sẻ: Để xây dựng, mở rộng trường phải có quỹ đất, hoặc xây cao lên. Nhưng vì là “con nhà nghèo” nên trước kia xây móng chỉ đủ cho 2 tầng, giờ muốn xây cao hơn thì phải xây lại toàn bộ, chưa kể học sinh sẽ học ở đâu trong thời gian đó. Bên cạnh đó, số học sinh tại thành phố không chỉ tính theo tỷ lệ sinh tự nhiên mà còn phải tính đến các yếu tố KT-XH, do đó không thể tinh giản hoặc xét tuyển biên chế một cách cơ học như các huyện khác. Bây giờ ở nội thành có những nơi mỗi lớp có đến 47 - 48 học sinh.
THẢO KHUY