Ngân câu bài chòi trên cánh sóng
Nhiều năm nay, gia đình anh Trần Hữu Phước được xem là hạt nhân nòng cốt của bài chòi ở Cù Lao Xanh (xã đảo Nhơn Châu, TP Quy Nhơn). Chiều về, khi ghe thuyền đã vào bờ nghỉ ngơi, câu hô hát bài chòi của gia đình anh ngân lên như giúp người ngư dân vơi đi phần nào những nhọc nhằn của nghề biển.
Anh Trần Hữu Phước (SN 1968) là dân Cù Lao Xanh chính hiệu. Vì mê bài chòi nên từ thuở thiếu niên anh đã quyết tâm đi học hát và sưu tầm tất cả những câu hô hát mà các bậc cao niên trên đảo còn nhớ.
Có dịp ngồi cùng, trong một phút ngẫu hứng, anh cất giọng ngọt lịm: “Hò hơ, trứng vịt đổ lộn trứng gà/ Thấy em má đỏ anh đà muốn hun// Hò hơ, muốn hun về nói mẹ cha/ Mâm trầu hũ rượu về nhà anh hun”. Anh nói, đó là những câu đối đáp giao duyên của người xưa. Đáp lại lời chọc ghẹo có phần tinh quái của chàng trai: “Muốn hun là muốn hun chơi/ Mâm trầu hũ rượu là nơi vợ chồng”, cô gái cũng không vừa: “Hò hơ, má đâu má để hun không/ Anh về bắt… chó ngoài đồng mà hun”. Từ những chất liệu dân gian ấy, anh vận dụng vào những câu thai bài chòi, để biến tấu, tung tẩy, làm phong phú thêm câu thai bài chòi của người xứ Nẫu.
Gia đình nghệ nhân Trần Hữu Phước biểu diễn trong Liên hoan bài chòi dân gian năm 2018.
Ông Nguyễn Hiếu, 53 tuổi, một ngư dân của xã đảo Nhơn Châu kể: “Ở Nhơn Châu, không chỉ hô hát bài chòi cho bà con ở đảo nghe, gia đình anh Trần Hữu Phước còn được nhiều đoàn khách du lịch tìm đến tận nhà với mong muốn được nghe những làn điệu bài chòi chính hiệu xứ đảo”. Vợ anh Phước, chị Lê Thị Hoa cũng là một người mê bài chòi. Nên không có gì khó hiểu khi 4 người con của anh chị cũng trao gửi tình yêu vào bài chòi dân gian.
Nhiều năm trước, khi bài chòi còn chưa lan tỏa như bây giờ, ở Nhơn Châu đã rộn câu hát nhờ gia đình anh Phước. Chuyện là thế này, có những khi muốn bà con có thêm một chút giải trí cho vui, đêm xuống, anh Phước mang đàn cùng thẻ bài ra bãi biển tổ chức trò chơi hô hát bài chòi. Lấy chín chiếc bàn thay cho chín chòi, mỗi bàn vài chiếc ghế nhựa chụm lại. “Mỗi thẻ bài mình lấy giá 5.000 đồng thôi. Chủ yếu mình tổ chức làm nơi sinh hoạt vui chơi cho bà con và để thỏa niềm hô hát mà. Bởi vậy, hát diễn cả đêm, tiền “cát xê” còn lại chỉ vài chục nghìn đồng nhưng mình thấy vui gì đâu khi bà con cười vui hớn hở”, anh Phước thổ lộ.
Gần đây du lịch Nhơn Châu dần phát triển, tiếng lành đồn xa, nhiều du khách ra đảo đều muốn được giao lưu bài chòi với gia đình anh Phước. Câu hô ngọt đằm của người xứ biển cứ thế lằng lặng để lại bao ấn tượng cho du khách. Như được tiếp thêm năng lượng, anh lại có dịp khoe những câu hô hát về quê mình: “Cù Lao Xanh, biển yêu thương/ Vững vàng canh giữ quê hương biển trời/ Đảo xanh đứng giữa biển khơi/ Bao nhiêu sóng gió bấy nhiêu ân tình…”.
Tháng 4.2018, CLB Bài chòi Trường THCS Nhơn Châu được thành lập do thầy giáo dạy nhạc Trần Huệ Thiện - cũng là con trai cả của nghệ nhân Trần Hữu Phước, làm chủ nhiệm. Anh Huệ Thiện phấn khởi: “Chỉ một tháng sau khi thành lập, CLB đã xuất sắc đạt giải nhất tại Hội thi Diễn xướng bài chòi dân gian các trường THCS TP Quy Nhơn năm 2018 do Trung tâm VH-TT&TT và Phòng GD&ĐT TP Quy Nhơn phối hợp tổ chức. Đến nay, CLB đã có 15 thành viên, các em đều có tố chất, có thể hô hát thuần thục. CLB vẫn tiếp tục nuôi nguồn bằng cách mở rộng tìm kiếm hiệu nhí”.
Mới đây niềm vui lại tiếp nối khi trong Hội thi Diễn xướng bài chòi dân gian TP Quy Nhơn lần thứ 7 - năm 2019 do Trung tâm VH-TT&TT TP Quy Nhơn tổ chức, đội hiệu Nhơn Châu giành giải quán quân. Anh Phước trải lòng, gia đình anh muốn tiếp tục hướng đến việc truyền dạy bài chòi dân gian cho các em có niềm đam mê, đồng thời nhân rộng và tổ chức nhiều hoạt động hô diễn bài chòi ở Nhơn Châu. Tuy nhiên, khó khăn về kinh phí, và đặc biệt là thiếu nhạc công nên việc tổ chức sinh hoạt, hô diễn bài chòi một cách bài bản gặp nhiều trở ngại.
VÂN PHI