Thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt
Từ hôm nay (15.11), Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh thí điểm quy trình thanh toán phí, lệ phí thông qua phần mềm điện tử một cửa VNPT-iGate với một số thủ tục hành chính. Ðây là bước khởi đầu trong lộ trình triển khai thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực dịch vụ công trên địa bàn tỉnh.
Thí điểm thanh toán điện tử
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thái Bình - Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh - cho biết: Để thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại Trung tâm, đơn vị phối hợp với VNPT Bình Định, Ngân hàng Đầu tư & Phát triển Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Định (BIDV Bình Định) triển khai thanh toán phí, lệ phí điện tử thông qua phần mềm một cửa điện tử VNPT-iGate.
Quầy giao dịch của BIDV Bình Định tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh nhằm phối hợp triển khai thanh toán không dùng tiền mặt từ ngày 15.11.2019.
Theo đó, từ ngày 15 - 30.11, Trung tâm triển khai thí điểm quy trình thanh toán điện tử với các thủ tục hành chính của 3 đơn vị gồm Sở KH&ĐT, Sở GTVT và Sở Tư pháp. Khi kết thúc thí điểm, Trung tâm sẽ đánh giá và tinh chỉnh hoạt động của phần mềm, sau đó sẽ triển khai tại toàn bộ các quầy thực hiện thủ tục hành chính công tại Trung tâm.
UBND tỉnh vừa chỉ đạo ngành TN&MT triển khai thực hiện quy trình chuyển tiếp, tiếp nhận kết quả thuế trên hệ thống VNPT-iGate tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Theo đó, bắt đầu từ ngày 20.11, Sở TN&MT chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh phối hợp với các chi cục thuế trên địa bàn thực hiện quy trình chuyển tiếp, tiếp nhận kết quả thông báo thuế trên VNPT-iGate đối với những thủ tục hành chính có thông báo thuế cho các tổ chức, cá nhân liên quan; việc thông báo nghĩa vụ tài chính trên VNPT-iGate giúp cho người làm thủ tục kịp thời tiếp nhận kết quả, rút ngắn thời gian thực hiện, đảm bảo minh bạch, công khai trong việc thực hiện các thủ tục hành chính.
Trao đổi về tác động của VNPT-iGate, ông Nguyễn Quang Khải, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Bình Định, khẳng định: VNPT-iGate là một trong hai phần mềm được Bộ TT&TT xác nhận đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật, phù hợp để các tỉnh lựa chọn triển khai thực hiện theo Nghị định 61 của Chính phủ về việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Phần mềm này giúp cho cán bộ chuyên môn giảm bớt các khâu thực hiện thủ công, người dân giảm bớt thời gian đi lại. Có thể nêu ra mấy lợi ích chính: Giảm thời gian xử lý các giao dịch hành chính, lưu trữ thông tin liên tục và sắp xếp có hệ thống, kiểm soát công việc cần thực hiện, phối hợp công tác với các bộ phận khác được nhanh chóng, chính xác; theo dõi được tình hình giải quyết thủ tục hành chính, lưu trữ được lượng lớn cơ sở dữ liệu, tiết kiệm chi phí cho cả nhà nước và người dân.
Về phía BIDV Bình Định, đơn vị đã bố trí nhân viên ở quầy thực hiện, lắp đặt thiết bị, hướng dẫn người dân thực hiện các bước đúng quy trình. Theo ông Bình, việc triển khai thanh toán điện tử, bước đầu giúp cán bộ tập trung thực hiện chuyên môn; người dân sẽ được hướng dẫn để thực hiện đóng khoản phí, lệ phí ở quầy của BIDV Bình Định tại Trung tâm để làm quen và tiếp cận dần với hình thức thanh toán mới.
Phát triển từ thu hộ lên không dùng tiền mặt
Nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh, ngày 18.3.2019, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 852/QÐ-UBND về đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng các dịch vụ công: Thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Ðịnh theo Quyết định số 241/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Ngành Y tế Bình Định tích cực triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
- Trong ảnh: Thanh toán viện phí tại BVĐK tỉnh phần mở rộng.
Tiếp nhận chỉ đạo phối hợp, phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Định đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường kết nối, cung cấp giải pháp thanh toán, sử dụng nhiều hình thức tích hợp điểm, khuyến mãi để thúc đẩy người dân tiếp cận với thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực dịch vụ công. Song, có một thực tế là tại Bình Định quá trình này chưa phát triển như kỳ vọng. Đến nay, số đơn vị, DN chấp nhận các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt chưa nhiều.
Riêng trong lĩnh vực dịch vụ công, hình thức thanh toán phổ biến vẫn là thực hiện thu hộ từ bên thứ ba. Chẳng hạn, TP Quy Nhơn trong lộ trình triển khai xây dựng chính quyền điện tử, đã áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong việc thực hiện thủ tục hành chính. Tuy nhiên, qua 4 năm thực hiện ký kết giữa UBND TP Quy Nhơn, Sở TT&TT, Ngân hàng Công Thương Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bình Định (Vietinbank Bình Định), tại bộ phận một cửa UBND TP Quy Nhơn vẫn bố trí một quầy thu hộ của Vietinbank Bình Định. Nói cách khác là trong thanh toán vẫn còn xuất hiện tiền mặt.
Theo ông Ngô Hoàng Nam, Chủ tịch UBND TP Quy Nhơn, để tạo điều kiện cho người dân và hạn chế việc sử dụng tiền mặt, thành phố đã trao đổi với Vietinbank Bình Định việc đặt máy POS-ATM, hướng dẫn chuyển khoản ngay tại quầy thu ngân của Vietinbank Bình Định tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, song đến nay phía ngân hàng vẫn chưa thể triển khai. Vướng mắc chủ yếu diễn ra ở khâu lắp đặt máy, kết nối dữ liệu và đặc biệt là chi phí vận hành… Sắp tới, UBND TP Quy Nhơn sẽ mở tiếp các đề xuất phối hợp mới với ngân hàng để có thể sớm triển khai thanh toán không dùng tiền mặt.
Hạ tầng công nghệ, chi phí vận hành, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân đang là rào cản để các đơn vị áp dụng thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt. Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, nhìn nhận, ngành Y tế đang trong lộ trình triển khai thanh toán không dùng tiền mặt tại các bệnh viện, TTYT trong tỉnh. Tuy nhiên, bước đầu thực hiện có một vướng mắc, đặc biệt việc lắp đặt vận hành máy POS-ATM - thiết bị hỗ trợ thanh toán không dùng tiền mặt dễ thực hiện nhất - tại các đơn vị thuộc Sở ở tuyến huyện vẫn không hề đơn giản. Sở Y tế đang nỗ lực truyền thông để giúp người dân thay đổi dần thói quen sử dụng tiền mặt thanh toán các chi phí y tế, đặc biệt sẽ nhấn mạnh đến yếu tố an toàn.
Thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt trong dịch vụ công cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền với đơn vị cung cấp hạ tầng công nghệ, đơn vị cung cấp giải pháp thanh toán. Chỉ khi các bên kết nối thông suốt thì quá trình thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công mới thật sự mang lại lợi ích, mà đối tượng hưởng lợi lớn nhất chính là người dân.
THU DỊU - HỒNG HÀ