LIÊN HIỆP CÁC HỘI KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT TỈNH:
Khẳng định vai trò cầu nối của đội ngũ trí thức với Đảng, Nhà nước
Ðó là kết quả nổi bật sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 15.4.2010 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Liên hiệp Hội đóng vai trò quan trọng trong khuyến khích đội ngũ trí thức nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực đóng góp vào sự phát triển của địa phương, đơn vị.
- Trong ảnh: Bác sĩ CKII Đào Văn Nhân (BVĐK tỉnh) là cá nhân nổi bật trong ứng dụng các kỹ thuật mới điều trị cho bệnh nhân.
Sau khi Chỉ thị số 42-CT/TW được ban hành, Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị phổ biến, quán triệt. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chương trình hành động số 09-Ctr/TU về “Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh (Liên hiệp Hội - LHH) trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Trịnh Xuân Long, đây là cơ sở quan trọng để tổ chức của LHH được củng cố, phát triển cả về số lượng, chất lượng, từng bước nâng cao năng lực và khẳng định vai trò là cầu nối của đội ngũ trí thức với Đảng, Nhà nước. Trong 10 năm qua, LHH đã phát triển thêm 9 hội thành viên, nâng tổng số hội, tổ chức thành viên lên 34, với 95.000 hội viên.
Để phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của đội ngũ trí thức, LHH được UBND tỉnh giao chủ trì phối hợp với các ngành tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh (2 năm/lần). LHH còn tích cực khuyến khích, hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có các công trình nghiên cứu, các giải pháp tốt tham gia dự thi Giải thưởng KH&CN Việt Nam. Đồng thời, để hưởng ứng phong trào thi đua của trí thức cả nước, trong các năm qua, LHH đã bình chọn và giới thiệu trí thức tiêu biểu để tỉnh tổ chức tôn vinh, biểu dương và lựa chọn giới thiệu trí thức tiêu biểu KH&CN để tôn vinh toàn quốc.
“Các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo môi trường thuận lợi về cơ chế, chính sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, tuyên truyền phổ biến kiến thức đến cộng đồng. Ðồng thời, tích cực đặt hàng để phát huy vai trò của đội ngũ trí thức nói chung và trí thức KHCN trong công tác nghiên cứu khoa học, tư vấn, phản biện và giám định xã hội”.
Chủ tịch Liên hiệp các Hội KHKT tỉnh Nguyễn Thị Thanh Bình
“Chúng tôi nhận thức sâu sắc hơn về vai trò và trách nhiệm của người làm công tác KH&CN, từ đó tiếp tục học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tích cực tham gia đóng góp vào sự phát triển của địa phương, đơn vị”, Trưởng khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống (BVĐK tỉnh) Đào Văn Nhân chia sẻ. Tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh lần thứ XI (2018 - 2019), Bác sĩ CKII Đào Văn Nhân đã đạt giải nhất với đề tài “Phẫu thuật can thiệp tối thiểu điều trị chấn thương cột sống ngực - thắt lưng mất vững bằng vít qua da tại BVĐK tỉnh”.
Không chỉ chủ động trong công tác nghiên cứu khoa học, phổ biến, ứng dụng các tiến bộ KHKT, LHH còn tích cực tham gia công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội. LHH đã chủ động đề xuất và được UBND tỉnh giao thực hiện hàng chục nhiệm vụ tư vấn, phản biện; nội dung tư vấn, phản biện khá rộng, trên nhiều lĩnh vực KT-XH. Trong đó tập trung các vấn đề lớn có tầm vĩ mô như các quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh, quy hoạch phát triển ngành, các đề án, dự án có tính chất chuyên môn sâu, có tác động trực tiếp đến người dân, môi trường.
Theo Chủ tịch LHH Nguyễn Thị Thanh Bình, LHH luôn xác định tư vấn, phản biện và giám định xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Các vấn đề bức xúc, nổi cộm, ảnh hưởng lớn đến cộng đồng cần phải lấy ý kiến tư vấn, phản biện, giám định xã hội của các nhà khoa học, giới trí thức cũng như của MTTQ.
“Bên cạnh đó là tiếp tục tập hợp các nhà khoa học, trí thức để chủ động trong khai thác chất xám, phục vụ và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu khoa học, tư vấn, phản biện. Đồng thời, tích cực tham gia, phối hợp trong việc hỗ trợ, tham mưu xây dựng chính sách, tạo điều kiện để trí thức, nhất là trí thức trẻ có điều kiện học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu mới, cống hiến sức lực, tài năng, khởi nghiệp DN”, bà Bình cho hay.
Gắn liền với thực tiễn
Ðiểm tích cực, đáng ghi nhận là phạm vi, đối tượng nghiên cứu của các đề tài do LHH chủ trì đều gắn liền với thực tiễn, là các vấn đề đang được đặt ra khá cấp thiết tại địa phương, cơ sở. Do đó, sau khi nghiệm thu hoặc đang quá trình xây dựng mô hình đã có thể ứng dụng, triển khai ngay. Ðiển hình như các đề tài, dự án: Xây dựng mô hình xử lý rác thải tập trung, rác thải sinh hoạt và chăn nuôi tại xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn; Ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KHKT để nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm cây hoa kiểng tại làng nghề Bình Lâm, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước; Chuyển giao kỹ thuật canh tác lúa thích ứng úng ngập và nhiễm mặn cho cộng đồng, nhằm duy trì sản xuất lúa hiệu quả, hạn chế tình trạng hoang hóa đất trồng lúa trong điều kiện nhiễm mặn gia tăng vì nước biển xâm nhập sâu do tác động của biến đổi khí hậu ở vùng ven đê Ðông tỉnh Bình Ðịnh...
NGUYỄN VĂN TRANG