Lúng túng trong xây dựng và thực hiện đề án vị trí việc làm
Ðề án vị trí việc làm là cơ hội giúp các đơn vị rà soát lại bộ máy, đội ngũ người lao động và xác định từng vị trí trong tổ chức gắn với việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của đơn vị. Ðây cũng là cơ sở để xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, phù hợp, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Thế nhưng trong quá trình xây dựng đề án, nhiều bất cập, khó khăn xuất hiện.
Trong cuối tháng 10 và đầu tháng 11.2019, Ban Pháp chế HĐND tỉnh đã giám sát tình hình, kết quả xây dựng, thực hiện đề án vị trí việc làm trong một số cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh.
Nhiều khó khăn
Theo báo cáo của Sở Nội vụ, đối với các cơ quan tổ chức hành chính, đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm của 18/21 sở, ban; 11/11 huyện, thị xã, thành phố. Sở Nội vụ đang thẩm định đề án của 2 đơn vị (Sở Công thương, Sở NN&PTNT). Riêng Văn phòng UBND tỉnh chưa xây dựng bản mô tả công việc và khung năng lực vị trí việc làm.
Đoàn Giám sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh làm việc với Sở GD&ĐT về việc xây dựng, thực hiện Đề án vị trí việc làm.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, Sở Nội vụ đã thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt đề án vị trí việc làm của 611 đơn vị. Hiện còn 169 đơn vị chưa hoàn thiện đề án, gồm: 17 đơn vị giáo dục nghề nghiệp, 21 đơn vị sự nghiệp y tế, 3 đơn vị sự nghiệp KH&CN, 18 đơn vị sự nghiệp NN&PTNT, 13 đơn vị TT&TT, 8 đơn vị VH&TT, 89 đơn vị sự nghiệp khác.
Xây dựng đề án vị trí việc làm là một công việc khá mới mẻ, đòi hỏi chuyên môn cao. Các đơn vị gặp không ít vướng mắc, lúng túng trong quá trình thực hiện. Ông Lê Quang Hùng, Giám đốc Sở Y tế, cho biết: “Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc ngành Y tế đang gặp nhiều khó khăn trong xây dựng đề án vị trí việc làm. Việc xác định số lượng đầu ra sản phẩm không dễ dàng. Chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về xác định chức danh nghề nghiệp viên chức tương ứng với vị trí việc làm. Bộ Y tế chưa điều chỉnh Thông tư số 37/2016/TT-BYT về hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của TTYT huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc Trung ương”.
Bà Phạm Thị Hồng Vân, Trưởng Phòng Tổ chức - Biên chế (Sở Nội vụ) phân tích thêm: “Nguyên tắc để xác định vị trí việc làm trong mỗi cơ quan, tổ chức là phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức đó; bảo đảm tính khoa học, phù hợp với thực tiễn đồng thời tuân thủ các quy định về quản lý công chức và phải gắn với một ngạch, chức danh nhất định. Thực tế giữa các cơ quan hành chính hiện chưa có một quy chuẩn nào để có thể định lượng trong giải quyết công việc của từng cơ quan. Có những công chức được phân công kiêm nhiệm một số công việc, gây lúng túng trong thống kê. Một số công việc mang tính dài hạn như xây dựng các kế hoạch, đề án… khó xác định thời gian hoàn thành và sản phẩm cuối cùng. Việc bố trí, sử dụng cán bộ, công chức không đúng chuyên ngành đào tạo tại các cơ quan cũng đã gây khó khăn, ảnh hưởng trong việc phân nhóm công việc, xác định khung năng lực”.
“Đụng” định hướng phát triển
Điểm được quan tâm nhiều nhất và cũng khó khăn nhất trong thực hiện đề án vị trí việc làm từ các đơn vị, cơ quan chính là việc tính toán về mặt biên chế cho mỗi vị trí việc làm đảm bảo khoa học, phù hợp với thực tiễn. Phản hồi từ các ngành, việc tinh giản biên chế đang gây sức ép lớn lên các đơn vị sự nghiệp công lập trong việc thực hiện các đề án, định hướng phát triển xã hội, đảm bảo chất lượng phục vụ.
Ông Lâm Lăng Long, Trưởng Phòng GD&ĐT TX An Nhơn, trao đổi: “Đến năm 2020, 30% trẻ em 5 tuổi trên địa bàn tỉnh được làm quen tiếng Anh trong trường mầm non. Đến thời điểm hiện tại, TX An Nhơn chưa triển khai được vì bậc mầm non không có biên chế giáo viên tiếng Anh. Việc vận động thực hiện xã hội hóa để trả lương cho giáo viên cũng rất khó khăn”.
Ông Phan Thanh Liêm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, thông tin thêm: “Sắp tới, ngành GD&ĐT sẽ tiến hành dạy 2 buổi/ngày ở bậc tiểu học. Với số lượng giáo viên như hiện tại, không được tăng lên trong thời gian đến, chúng ta sẽ không có nguồn để trả tiền lương thừa giờ cho giáo viên. Bên cạnh đó, đã có quy định Tin học là môn học bắt buộc từ lớp 3, nhưng vẫn không có biên chế cho giáo viên Tin học. Những bất cập này là rào cản cho việc thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục”.
Đối với ngành Y tế, việc tinh giản biên chế so với năm 2015 cũng là một thách thức khi yêu cầu phục vụ, điều trị của người bệnh tăng cao nhưng chỉ tiêu biên chế về bác sĩ, điều dưỡng lại giảm. Trong khi đó, các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội của Sở LĐ-TB&XH cũng gặp nhiều áp lực khi tinh giảm biên chế đi ngược lại với hướng dẫn tại Thông tư 33/2017/TT-BLĐTBXH về cơ cấu tổ chức, định mức nhân viên và quy trình, tiêu chuẩn trợ giúp xã hội tại cơ sở trợ giúp xã hội. Đơn cử như Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần Hoài Nhơn, với hơn 500 người tâm thần (113 người tâm thần đặc biệt nặng), số nhân viên cần là 188 người. Nhưng, hiện chỉ có 87 chỉ tiêu biên chế, tức là chưa được 50% nhu cầu theo hướng dẫn, nên luôn trong tình trạng quá tải.
NGUYỄN MUỘI