Chính sách ưu đãi trong đầu tư phải tường minh
Tiếp tục kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, ngày 15.11, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) và Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).
Các thành viên Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận ở tổ.
Tham gia thảo luận, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Kim Toàn cho rằng, vẫn còn nhiều khái niệm đã được đề cập trong nghị quyết của Đảng, Luật Đầu tư cũng đã có nêu, nghe thì dễ hiểu, nhưng khi thực hiện thì “tắc hết”.
“Đơn cử là quy định “ưu đãi đầu tư cho DN KHCN, tổ chức KHCN”. DN KHCN có thể hiểu là 1 DN mà sản phẩm tạo ra là sản phẩm KHCN, thế còn tổ chức KHCN? Khái niệm này không rõ ràng”, đại biểu (ĐB) Toàn nói.
ĐB Lê Kim Toàn nhắc lại chuyện Bình Định thu hút Hội Gặp gỡ Việt Nam, giao quỹ đất đẹp nhất ven bờ biển Quy Nhơn cho vợ chồng GS Trần Thanh Vân - Lê Kim Ngọc để xây dựng Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành Quy Nhơn (ICISE). Vợ chồng giáo sư bỏ tiền túi ra xây từ khoảng dành dụm cả đời làm khoa học. Trung tâm đã tổ chức rất nhiều hội nghị khoa học tầm quốc tế, thu hút hàng chục chủ nhân của giải Nobel đến dự, báo cáo kết quả nghiên cứu.
“Theo quy định của Luật Đất đai, tiền thuê đất của Trung tâm lên đến gần chục tỷ đồng, trong khi Trung tâm chẳng kinh doanh, chẳng mang lại lợi nhuận gì. Tỉnh đã có tờ trình gửi Ban Bí thư, Ban Cán sự đảng Chính phủ, Bộ TN&MT, Bộ Tài chính… Nhưng vướng mắc chính vẫn còn: Trung tâm này có phải là DN KHCN, tổ chức KHCN không? Không giải quyết được vấn đề này, dù là vướng mắc về pháp luật, nhưng cấp ủy, chính quyền địa phương vẫn cảm thấy còn “nợ” vợ chồng giáo sư”, ĐB Toàn chia sẻ.
Trong khi đó, tỉnh đã bố trí 300 ha ở Quy Hòa để quy hoạch công viên phần mềm, bảo tàng khoa học, nhà mô hình vũ trụ… Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao Bình Định và các bộ ngành nghiên cứu xây dựng Đề án phát triển Khu đô thị Khoa học và giáo dục Quy Hòa để áp dụng cơ chế chính sách cho đô thị khoa học. Hiện đang ở bước thẩm định, song ở đây khái niệm “đô thị khoa học” vẫn chưa tường minh; trong Luật Đầu tư, Luật Đất đai đều chưa có khái niệm này, dễ dẫn đến “tắc” về chính sách.
“Chính sách phải tường minh, cụ thể, để nhà đầu tư tiếp cận luật thì hiểu người ta được làm gì, ở đâu, lĩnh vực nào, quy mô nào, được hưởng chính sách nào, bị ràng buộc bởi những quy định nào thì mới yên tâm được”, ĐB Toàn nhấn mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, ĐB Lê Công Nhường đề nghị khu đô thị khoa học cũng được ưu đãi như khu đô thị công nghệ cao. Do đó, ở điều 3 cần bổ sung định nghĩa khu đô thị khoa học. Với điều 17 (quy định các địa bàn đầu tư), cũng bổ sung thêm khu đô thị khoa học vào địa bàn ưu đãi, bên cạnh khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghiệp thông tin tập trung... Việc bổ sung này rất cần thiết, khi Đề án phát triển Khu đô thị Khoa học và giáo dục Quy Hòa được Chính phủ phê duyệt thì có căn cứ thực hiện.
Xung quanh Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), ĐB Nguyễn Phi Long cho rằng, quá trình sửa luật phải hướng đến công khai, minh bạch, công bằng giữa nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Hiện nay, ở một số nơi, các nhà đầu tư nước ngoài được ưu đãi, miễn giảm nhiều thủ tục, trong khi với nhiều dự án các nhà đầu tư trong nước khó tiếp cận.
Bên cạnh đó, cần chú trọng các nguyên tắc: đảm bảo lòng tin pháp lý; chọn đúng lĩnh vực, địa bàn cần ưu đãi; nên phân cấp nhiều hơn cho cơ sở, đặc biệt là chính quyền địa phương.
NGUYỄN VĂN TRANG