Sẽ tăng giá dịch vụ y tế ngoài BHYT
Dự thảo giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở y tế công lập của tỉnh sẽ được trình tại kỳ họp HÐND tỉnh tháng 12.2019.
Từ ngày 20.8.2019, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KCB) trong tỉnh đã áp dụng mức giá KCB cho bệnh nhân có thẻ BHYT theo Thông tư 13/2019/TT-BYT ngày 5.7.2019 của Bộ Y tế, trong thiết kế giá dịch vụ, mức lương cơ sở được tính là 1,49 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, đối với các dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT, các cơ sở y tế công lập hiện vẫn áp dụng mức cũ thực hiện theo Nghị quyết 96/2017/NQ-HĐND ngày 8.12.2017 của HĐND tỉnh. Dự thảo chuẩn bị trình HĐND tỉnh nhằm thực hiện bình đẳng, không phân biệt về giá giữa KCB của người bệnh không có BHYT và người bệnh có BHYT.
Giá dịch vụ y tế không thuộc phạm vi thanh toán BHYT sẽ được điều chỉnh trong thời gian tới.
Không ảnh hưởng nhiều đối với người dân
Theo Giám đốc Sở Y tế Lê Quang Hùng, việc điều chỉnh mức giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT trong các cơ sở KCB công lập sẽ được áp theo mức giá tối đa quy định tại Thông tư 13/2019/TT-BYT và Thông tư 14/2019/TT-BYT ngày 5.7.2019 của Bộ Y tế. Theo đó, có hơn 1.900 dịch vụ KCB sẽ điều chỉnh giá; với mức tăng bình quân 4,4% đối với tiền khám bệnh, ngày giường điều trị và tăng bình quân 1,1% đối với dịch vụ kỹ thuật. Giá khám bệnh bệnh viện hạng đặc biệt, bệnh viện hạng I điều chỉnh ở mức 38.700 đồng (tăng 1.700 đồng); bệnh viện hạng II: 34.500 đồng (tăng 1.500 đồng); bệnh viện hạng III: 30.500 đồng (tăng 1.500 đồng); bệnh viện hạng IV, trạm y tế xã: 27.500 đồng (tăng 1.500 đồng). Ngoài ra, tăng giá dịch vụ ngày giường bệnh và giá một số dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm khác… Đối tượng áp dụng ngoài người bệnh chưa có thẻ BHYT còn có những người có thẻ BHYT nhưng đi KCB ngoài tuyến, không thuộc phạm vi thanh toán BHYT.
So với mức giá dịch vụ KCB hiện đang áp dụng tại tỉnh, mức giá quy định tại Thông tư 14/2019/TT-BYT không thay đổi cơ cấu giá dịch vụ, mà chỉ thay đổi mức lương cơ sở tính vào giá dịch vụ từ 1,15 triệu đồng/tháng sang mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng. Khi xây dựng giá dịch vụ KCB, Nhà nước mới chỉ tính đến chi phí trực tiếp và tiền lương. Giá thay đổi khi yếu tố hình thành giá thay đổi. Vì vậy khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương, giá dịch vụ KCB sẽ phải điều chỉnh tương ứng.
Ông Lê Quang Hùng cho hay: “Thật ra việc điều chỉnh giá dịch vụ KCB ngoài phạm vi thanh toán quỹ BHYT không ảnh hưởng nhiều đối với người dân. Bởi, hiện tỷ lệ người tham gia BHYT trong tỉnh đã đạt đến mức 91,6%, số còn lại chưa có thẻ BHYT tập trung chủ yếu vào đối tượng tham gia BHYT tự nguyện và một bộ phận nhỏ thuộc hộ gia đình cận nghèo (được nhà nước hỗ trợ 85% chi phí mua thẻ BHYT nhưng chưa tham gia). Việc áp dụng mức giá tối đa theo Thông tư 14/2019/TT-BYT sẽ tạo động lực cho 8,4% người dân còn lại tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân. Đây cũng là điều kiện quan trọng để các cơ sở KCB nâng cao chất lượng dịch vụ y tế cho người dân”.
Với 91,6% người dân trong tỉnh đã có thẻ BHYT, ngành chức năng cho rằng, việc điều chỉnh giá dịch vụ KCB ngoài BHYT không ảnh hưởng nhiều đối với người dân.
Phù hợp thực tế
Để hoàn thiện dự thảo đề án trước khi trình ra HĐND tỉnh trong kỳ họp tháng 12.2019, Sở Y tế, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành liên quan.
Theo Giám đốc TTYT TX An Nhơn Lê Thái Bình, việc cùng lúc áp dụng 2 mức giá dịch vụ KCB khác nhau, trong đó giá đối với người có thẻ BHYT trung bình cao hơn khoảng 4% so với mức giá không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT không chỉ chưa đảm bảo công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng mà còn khiến các cơ sở KCB gặp nhiều khó khăn. Bởi, đến nay 39/39 đơn vị sự nghiệp y tế được giao quyền tự chủ tài chính (22 đơn vị tự đảm bảo một phần chi thường xuyên), ngân sách nhà nước không cấp theo giường bệnh như trước kia mà các đơn vị phải lấy nguồn thu từ giá dịch vụ KCB và thu khác để chi. “Trong khi từ ngày 1.7.2019, các đơn vị đã trả lương cho cán bộ, nhân viên theo mức lương cơ sở 1,49 triệu đồng/tháng, nhưng mức giá dịch vụ KCB ngoài BHYT hiện vẫn áp dụng mức lương cũ 1,15 triệu đồng/tháng”, ông Bình nói.
Ông Lê Quang Hùng khẳng định, điều chỉnh giá dịch vụ KCB không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT đã tính đến các yếu tố tác động. Vấn đề này cũng đã được đề cập cuối năm 2018 và được Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy xin ý kiến thống nhất trình ra kỳ họp HĐND tỉnh tháng 6.2019. Tuy nhiên, tháng 5.2019, Bộ Y tế đã đề nghị các tỉnh tạm thời chưa quyết định mức giá dịch vụ KCB ngoài phạm vi thanh toán của quỹ BHYT mà cần tính toán tác động của việc điều chỉnh giá đến chỉ số giá tiêu dùng của địa phương. Trên cơ sở đó, Sở Y tế đã làm việc với Cục Thống kê tỉnh và báo cáo UBND tỉnh xin tạm dừng không trình ra kỳ họp HĐND tỉnh tháng 6.2019, và kéo dài đến cuối năm nay.
MAI HOÀNG