Vui mùa lưới cước
Vào mùa biển động, phần lớn tàu thuyền đánh bắt tại vùng khơi, vùng lộng nghỉ biển. Và đó cũng là thời điểm vào mùa đánh bắt thủy sản ven bờ của ngư dân làm nghề lưới cước.
Ngư dân làm nghề lưới ở xã Nhơn Hải, TP Quy Nhơn thu hoạch cá sau chuyến biển.
Tầm tháng 10 đến tháng Chạp âm lịch, khi gió Đông Bắc về, biển động nên đa số các tàu thuyền lớn đều nằm bờ, ít ra khơi. Nhưng đây lại là quãng thời gian ngư dân ở các địa phương ven biển trong tỉnh rộn ràng ra khơi đánh bắt thủy sản ven bờ với nghề lưới cước, như: Lưới ba cảng, lưới hai đất, lưới ghẹ… Làm gần bờ nhưng thu nhập tương đối khá bởi lúc này hải sản được giá.
Tùy theo con nước thủy triều, khi biển êm sóng, nước trong, ngư dân dùng thúng composite có gắn máy, thuyền máy công suất nhỏ, thúng chai ra khơi thả lưới từ chiều ngày hôm trước đến sáng hôm sau thu lưới vào bờ. Còn lúc biển có sóng, nước đục, mỗi ngày ngư dân đánh lưới từ lúc rạng sáng đến trưa cập bờ, rồi tiếp tục ra biển thả lưới từ 2 - 3 giờ chiều đến tối thu lưới về.
Ngư dân Đỗ Xuân Thượng, ở thôn Phú Hậu, xã Cát Tiến (huyện Phù Cát), thổ lộ: “Vốn làm nghề lưới cước ít, tính ra sắm lưới, thúng chai gắn máy cả thảy khoảng 30 - 40 triệu đồng cũng đánh bắt được; đặc biệt trong mùa đông, giá cá, mực khá hơn ngày thường nên thu nhập cũng đủ sống. Mỗi chuyến ra khơi tôi thả cùng lúc nhiều tấm lưới, gồm: Lưới ghẹ, lưới thưa, lưới hai, làm lai rai mỗi ngày cũng có đồng ra đồng vào, gặp lúc trúng cũng có thể lên cả triệu đồng!”.
Cả xã Nhơn Châu (TP Quy Nhơn) có 90 thúng chai gắn máy, 66 thuyền máy công suất nhỏ chuyên làm nghề lưới cước. Theo ngư dân Nguyễn Văn Nhi, ở thôn Tây, xã Nhơn Châu, mỗi hộ ngư dân làm nghề lưới ở đây đầu tư làm nhiều loại lưới để đánh bắt theo mùa. Ví như mùa hè thì chuyên đánh bắt cá cơm, mực; mùa biển động chủ yếu đánh bắt các loại cá kình, cá róc, cá hố... “Biển giã mà, cũng vô chừng lắm! Có chuyến trúng được vài triệu đồng, nhưng có bữa cũng không có, lắm lúc bị rách lưới, mất lưới là chuyện thường”, anh Nhi bộc bạch.
Ngư dân làm nghề lưới bằng thúng ở xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn chuẩn bị ra khơi.
Nhiều ngư dân làm nghề lưới cước ở xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) cũng có thu nhập khá trong mùa biển động. Ngư dân Trần Văn Hởi, chuyên làm nghề lưới cước, ở thôn Hải Bắc, xã Nhơn Hải, cho biết: “Nhà có thuyền máy công suất nhỏ nên mùa hè tôi đi thả lồng mực kết hợp làm nghề lặn khai thác ốc, bào ngư để bán cho các nhà hàng du lịch trong xã. Đến mùa đông, tôi chuyển qua làm nghề lưới ba cảng, lưới hai đất. Mỗi tấm lưới mình mua về phải làm lại chì, phao cho phù hợp; khi thả lưới phải đoán được con nước, hướng gió thì mới đạt hiệu quả. Mỗi mùa lưới, nếu êm thuận tôi thu cũng được vài chục triệu đồng”.
Ngồi tại bến cá Nhơn Lý (TP Quy Nhơn) kiểm tra lại dàn lưới ba của mình để chuẩn bị cho chuyến biển mới, ngư dân Nguyễn Đình Long, ở thôn Lý Hòa, xã Nhơn Lý, tươi cười cho biết: “Từ sau bão số 5 đến giờ biển động, tôi dùng thúng chai ra vùng biển ven bờ của xã thả lưới đánh bắt cá, bình quân mỗi ngày kiếm được 500 - 700 nghìn đồng. Mùa này đánh bắt được rất nhiều loại cá gần bờ, nhưng cao giá nhất là cá hố, có hôm tôi trúng đậm được hơn 2 tạ cá hố, bán với giá từ 120 - 130 nghìn đồng/kg, thu nhập hơn 20 triệu đồng. Ngày thường tôi có ghe làm nghề mành rút trủ, mùa này tranh thủ làm lưới cước, khi nào có tôm hùm giống xuất hiện thì tôi mới lấy ghe đi khai thác tôm hùm”.
Theo ông Nguyễn Thành Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, cả xã có gần 100 ngư dân làm nghề lưới cước, đánh bắt tôm hùm giống bằng thúng chai. Mặc dù nghề lưới không phát triển mạnh như các nghề khai thác thủy sản khác, nhưng đó cũng là nghề chính của số ít ngư dân chọn làm, giúp họ ổn định cuộc sống. Xã thường xuyên nhắc nhở ngư dân theo dõi diễn biến thời tiết để đảm bảo an toàn, khi ra khơi bà con phải cẩn trọng, không được ra biển khi có bão, áp thấp nhiệt đới.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN