Tập trung ngăn chặn tội phạm chống người thi hành công vụ
Gần đây, tình trạng chống người thi hành công vụ có xu hướng diễn biến phức tạp. Hình thức chống đối của đối tượng rất đa dạng, như lăng mạ, xúc phạm danh dự, hành hung… người thi hành công vụ. Căn cứ vào hành vi và mức độ vi phạm, ngành chức năng đã và đang tập trung xử lý nghiêm tội phạm này.
Người đàn ông này liên tục thách thức, chửi bới và không chịu hợp tác làm việc với lực lượng chức năng khi bị kiểm tra nồng độ cồn.
Theo ông Đỗ Tấn Phước, Trưởng Phòng thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử sơ thẩm án hình sự về trị an, an ninh, ma túy, Viện KSND tỉnh, nhìn tổng thể, tội chống người thi hành công vụ chỉ chiếm tỉ lệ nhỏ trong cơ cấu tội phạm chung của tỉnh. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, cả tỉnh chỉ khởi tố 5 vụ/24 bị can chống người thi hành công vụ, truy tố 10 vụ/37 bị can; xét xử sơ thẩm 12 vụ/41 bị can. Nhưng những hành vi có bóng dáng chống người thi hành công vụ, biểu hiện ở thái độ, lời nói... thì rất nhiều. “Điều này cho thấy, việc chống người thi hành công vụ ở một bộ phận người dân coi thường pháp luật đã và đang tạo dư luận xấu trong xã hội. Đáng chú ý, các đối tượng chống người thi hành công vụ tập trung chủ yếu ở lứa tuổi thanh, thiếu niên - lứa tuổi dễ bốc đồng, không làm chủ được cảm xúc, hành vi, không ý thức hết hậu quả, tác hại do hành vi vi phạm pháp luật của mình gây ra. Song cũng có không ít trường hợp là người lớn tuổi bị lôi kéo, kích động, sử dụng rượu, bia”, ông Phước phân tích.
Tình trạng chống người thi hành công vụ xảy ra hiện nay tập trung chủ yếu vào những người làm nhiệm vụ ở những lĩnh vực nhạy cảm, dễ va chạm như giao thông, tiếp công dân hay thực hiện nhiệm vụ cưỡng chế. Như mới đây, có dịp theo chân lực lượng CSGT trạm CSGT Tuy Phước tuần tra kiểm soát và xử lý lái xe uống rượu, bia, tôi thấy khá nhiều trường hợp bất hợp tác khi được ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra nồng độ cồn.
Do vậy, để giảm những tổn thất đối với lực lượng thực thi công vụ, tùy vào tình hình thực tế mà lực lượng chức năng bố trí quân số phù hợp. Thượng tá Nguyễn Văn Triều, Trưởng CA huyện Hoài Ân, cho biết: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, chúng tôi luôn quán triệt với anh em cần phải nghiên cứu tình hình của đối tượng để vừa cảnh giác, vừa phòng vệ. Trong quá trình làm việc, phải có ít nhất 3 đồng chí để vừa đảm bảo tính khách quan, vừa có tính chiến đấu, hỗ trợ lẫn nhau, vì khả năng đối tượng phạm pháp luôn có suy nghĩ chống đối hòng thoát thân”.
Còn theo ông Phước, để giảm thiểu tội phạm này, trước hết cần phải xử lý nghiêm những bị can đã bị khởi tố, buộc họ phải chấp hành bản án phù hợp với tính chất, hậu quả họ gây ra. Đây chính là sự răn đe giáo dục. Ngoài ra, cần có những phiên tòa lưu động xét xử công khai các đối tượng này, qua đó tuyên truyền giáo dục nhân dân tại địa phương về ý thức tuân thủ pháp luật. Bên cạnh đó, biện pháp chế tài hành chính đối với nhóm tội này cũng phải thật mạnh.
Mặt khác, cùng với sự chủ động của ngành chức năng, đòi hỏi mỗi người dân cần thượng tôn pháp luật, hướng tới xây dựng hoàn thiện một nhà nước pháp quyền.
K.ANH