Thủ tướng: "Cần bác bỏ luận điểm Việt Nam thừa thầy thiếu thợ"
"Vẫn phổ biến thiếu thầy, thiếu cả thợ, không phải thừa thầy đâu" - Thủ tướng nói và nhấn mạnh chỉ có đào tạo tốt mới giải quyết được vấn đề.
Diễn đàn Quốc gia "Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam" diễn ra ngày 16.11 với chủ đề “Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp” tiếp diễn với ba sự kiện chính thể hiện tầm quan trọng của việc gắn kết nhà trường và doanh nghiệp.
Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Diễn đàn có sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, chuyên gia, tập đoàn, doanh nghiệp lớn, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc cùng các học viên.
Ba sự kiện gồm: Phiên thảo luận chuyên đề “Nguồn nhân lực có kỹ năng - Chìa khóa để nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia”; phiên thảo luận “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp - Nhân tố quyết định nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam” và phiên thảo luận “Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”.
Các sự kiện có sự chỉ đạo-điều hành của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công thương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, diễn đàn nhằm khẳng định tầm nhìn và khát vọng trong chuẩn bị nguồn nhân lực có kiến thức, kỹ năng, góp phần nâng cao năng suất lao động, nâng cao năng lực cạnh tranh, đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.
Thông điệp của diễn đàn là muốn phát triển bền vững và bao trùm, cần quan tâm phát triển kỹ năng, việc làm thỏa đáng và nền an sinh bền vững cho con người và doanh nghiệp đồng hành cùng nhà trường, tạo đột phá về quy mô và chất lượng giáo dục nghề nghiệp.
Tham dự diễn đàn với bài tham luận “Sự tham gia của doanh nghiệp hướng tới xây dựng lực lượng lao động vì một Việt Nam hiện đại”, bà Keiko Inoue, điều phối Chương trình phát triển con người, giới, việc làm - Ngân hàng thế giới khẳng định: “nâng cao kỹ năng cho người lao động là rất quan trọng với bất kỳ nền kinh tế nào, trong đó, hệ thống giáo dục quốc gia đóng vai trò quan trọng và giáo dục nghề nghiệp là một thành tố “xương sống”.
Bà Keiko Inoue dẫn chứng, 30% các nước thành viên Tổ chức Hợp tác Kinh tế châu Âu (UECD) coi trọng phát triển trình độ kỹ năng nghề cho người lao động thông qua hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Con số này tăng 40% ở Đan Mạch và 50% ở Đức. Điều này cũng đang dần thay đổi ở thị trường lao động và hệ thống giáo dục Việt Nam. Tuy nhiên, để hiện thực hóa chủ trường này, Việt Nam cần nhận diện và thực hiện nhiều giải pháp.
Ở Việt Nam, 6/10 nghề đang tăng trưởng nhanh nhất đều đòi hỏi kỹ năng và sẽ thay đổi cuộc sống của người lao động Việt Nam trong tương lai. Nhưng thách thức là hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện chưa đáp ứng được nhu cầu và chưa hiện đại hóa được và tỷ suất lợi nhuận thấp hơn giáo dục đại học. Vậy cần phải làm sao?
Theo bà Keiko Inoue, có 3 biện pháp: Thứ nhất là cần chuyển từ văn hóa tuân thủ sang văn hóa chất lượng và cần phù hợp với mục tiêu chung là lao động ra trường cần có kỹ năng và có tính linh hoạt cao. Nên phân cấp phân quyền và cần đảm bảo hệ thống giáo dục nghề nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu địa phương và doanh nghiệp.
Thứ 2 trường nghề cần có những người quản lý để có thể vận hành nhà trường như doanh nghiệp.
Thứ 3 cần có cơ chế cấp ngân sách theo kết quả hoạt động của nhà trường và cần làm thông tin minh bạch hơn, đảm bảo tính công bằng; cần thay đổi chính sách thu hút doanh nghiệp đóng góp nhiều hơn cho phát triển kỹ năng nghề.
Từ thực tiễn cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển và lan tỏa mạnh trên toàn thế giới, với khả năng thay đổi con người, thậm chí là thay thế con người, ông Trương Gia Bình, chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT nhấn mạnh: toàn hệ thống giáo dục mà đặc biệt là giáo dục nghề nghiệp phải thay đổi cách tiếp cận và đào tạo để lao động sau đào tạo thời gian tới là “lao động số”. Chỉ có như vậy nền kinh tế mới tăng trưởng nhanh nhanh và bền vững.
“Chuyển đổi số không thể thực hiện được nếu không có các nhà quản trị số và nhân viên số nên các doanh nghiệp và các tổ chức đào tạo cần bắt tay để đưa ra các chương trình đào tạo để có các nhà quản trị số và nhân viên số. Không thể không có kỹ năng số để chuyển đổi số. Cần triển khai sớm, phổ cập hóa trình độ sử dụng máy móc số, công cụ số để công việc hiệu quả hơn. Dân trí số vì dự báo của ngân hàng thế giới là cứ 4 người thì 3 người có khả năng mất việc vì lạc hậu. Tôi nghĩ rằng tất cả hệ thống giáo dục phải thay đổi để từ cách sống, làm việc, cách giao tiếp đều có thể số hóa. Thực tiễn chứng minh phải bắt đầu từ khát vọng đổi mới, sau đó có cái đầu biết làm gì và cuối cùng bàn tay phải biết làm thế nào” - ông Trương Gia Bình nói.
Tiếp thu quan điểm chỉ đạo từ lãnh đạo các Bộ, ngành cùng kiến nghị từ các chuyên gia, doanh nghiệp, ông Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội đề xuất Việt Nam cần phải nghiên cứu mô hình của một số các nước rất thành công như Đức và một số các nước khác, phải cần thể chế hóa bằng pháp luật để các doanh nghiệp từ mô hình doanh nghiệp gia đình, doanh nghiệp tư nhân vừa nhỏ hay là doanh nghiệp nước ngoài làm ăn tại Việt Nam.
Khi đã sử dụng nhân lực Việt Nam đã qua đào tạo thì cần phải đóng một khoản phí, Nhà nước sẽ lấy nguồn này để tiếp tục tái đầu tư cho các cơ sở đào tạo có chất lượng đào tạo nhân lực cho quốc gia.
"Bây giờ chúng ta có rất nhiều ưu đãi, mở ra một doanh nghiệp và cứ thế tuyển dụng, họ không tham gia vào quá trình đào tạo của các cơ sở giáo dục nhưng họ vẫn chê đào tạo và nói phải đào tạo lại. Phải quy định làm thế nào, doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải kết nối được với nhau”- ông Đồng Văn Ngọc nói.
Sau khi lắng nghe kiến nghị-đề xuất từ các chuyên gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế, đại diện các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cùng quan điểm từ đại diện các Bộ-ngành, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tay nghề-kỹ năng lao động Việt Nam đang ngày càng được nâng cao, điều này được minh chứng qua nhiều kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới cùng những đóng góp trong phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, kết quả này, thời gian qua, vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Nếu không sớm cải thiện tình hình, năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ khó có những bước tiến như kỳ vọng. Vấn đề nhà nước-nhà trường và doanh nghiệp cần tiếp tục được coi trọng nhiều hơn nữa để nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam thực chất, không phải nói suông.
“Kỹ năng nghề là vấn đề lớn của toàn cầu, đặc biệt với các nước đang phát triển như nước ta. Tôi đã nói rất nhiều về cơ chế 3 bên là Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp, nhưng vai trò của doanh nghiệp, chưa kể việc đóng góp tăng trưởng nhưng có vai trò hơn ai hết chuyển giao công nghệ hết sức kíp thời thông qua người lao động. Có nhiều kết quả hợp tác 3 bên nhưng chúng ta cần phải nhìn thấy rõ những khuyết điểm là tỉ lệ qua đào tạo, có bằng cấp chứng chỉ, kỹ năng qua đào tạo nghề còn thấp".
Việt Nam có số lao động đứng thứ 3 khu vực sau indonesia và Philippines nhưng qua đào tạo chỉ hơn 22%, 1/3 Hàn Quốc, Đài Loan… Nhiều nước đang phổ biến là hơn 50% như vậy cho thấy tỉ lệ của ta còn thấp, cần khắc phục.
"Vẫn phổ biến thiếu thầy, thiếu cả thợ, không phải thừa thầy đâu. Cần bác bỏ luận điểm Việt Nam thừa thầy thiếu thợ và vẫn còn tâm lý cha mẹ cho rằng không còn đường nào mới đi học nghề. Nếu chúng ta đào tạo tốt thì mọi vấn đề này sẽ được giải quyết tốt” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo Thu Trang/VOV1