Làng rau làm... du lịch
Làng rau Thuận Nghĩa (khối Phú Phong, huyện Tây Sơn) được chọn xây dựng thí điểm mô hình sản phẩm du lịch nông nghiệp đầu tiên trong tỉnh nhằm tạo sinh kế bền vững cho người dân.
Thuận Nghĩa với vẻ đẹp của làng quê mộc mạc, nếp nhà xưa sẽ là điểm nhấn thu hút du khách.
Tại Hội nghị do Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch tỉnh, Hiệp hội Du lịch phối hợp với UBND huyện Tây Sơn tổ chức chiều 13.11, rất nhiều câu hỏi nhiều giải pháp được các nhà chuyên môn, những người hoạt động trong ngành du lịch thảo luận với sự tham gia trực tiếp của người dân. Tất cả cùng hướng tới một mục tiêu, tạo nên giá trị khác biệt bền vững để Thuận Nghĩa làm du lịch. Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn Bùi Văn Mỹ cho rằng, đó là câu hỏi ngắn nhưng cần một quá trình chuẩn bị dài lâu để trả lời. Để trả lời câu hỏi đó, không chỉ ngành du lịch, chính quyền địa phương, mà hơn ai hết chính cư dân Thuận Nghĩa cùng thực hiện từ những hành động, việc làm của mình.
Có lẽ ở Bình Định không còn nhiều làng quê còn giữ được nét đẹp mộc mạc, bình yên và êm đềm như Thuận Nghĩa. Không chỉ là nhà cổ, vườn xinh; không chỉ là vị trí giàu tính địa lợi ven sông Côn, giá trị của Thuận Nghĩa còn thuộc về nét văn hóa, tập tính sinh hoạt gắn kết của cộng đồng dân cư nơi đây. Đi bộ trên đường làng Thuận Nghĩa ta dễ dàng cảm nhận nét chất phác, hồn hậu của con người nơi đây qua giọng nói và nụ cười chào đón thân tình. Một điểm son cho Thuận Nghĩa là cảnh quan xinh đẹp yên bình, lại là một trong số những địa phương sớm sản xuất rau an toàn VietGAP nên tư duy thân thiện với môi trường tạo ra lợi thế lớn khi tính đến chuyện làm du lịch vườn. Ở Thuận Nghĩa sự hòa quyện những giá trị lịch sử, văn hóa không chỉ tạo nên sự khác biệt hấp dẫn mà còn tạo thành sản phẩm du lịch thu hút du khách.
Những nếp nhà với hàng rào xanh và cổng ngõ nở rực những giàn hoa.
Làm sao để phục vụ du khách khi chúng tôi chỉ quen với việc đồng áng? là câu hỏi trực tiếp của người dân ở làng rau. Trả lời cho câu hỏi này, bà Hoàng Thu Sen, Giám đốc Vietravel Quy Nhơn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định, nói: Khách du lịch tới với quê hương của bà con, họ muốn được đón nhận như những người con ở xa mới về. Điều đầu tiên để khách yêu quý vùng đất này chính là phần tình cảm chân thành mà bà con dành cho họ. Có 3 điều đơn giản nhưng bắt buộc phải có để phục vụ du lịch là chỗ lưu trú - ăn uống - trải nghiệm. Nghĩa là bà con chuẩn bị ngôi nhà ngăn nắp, vệ sinh sạch sẽ; một bữa cơm rau ngon và lành, và cho du khách tham gia vào hoạt động sản xuất hàng ngày của mọi người. Đó chính là những điều mà khách du lịch mong muốn tìm kiếm, đó cũng là điều mà bà con ở Thuận Nghĩa cần phải chuẩn bị để cho một sự thay đổi mới của quê hương mình.
Theo bà Hoàng Thu Sen, những điều bình dị, giản đơn mới là những điều tuyệt vời nhất. Chẳng hạn như hàng chè xanh mướt trước ngõ được tạo hình bắt mắt, hay một khoảng sân với vài khóm quang tử kinh nở hồng rực rỡ, rồi hoa mười giờ, hoa phượng đỏ… chỉ cần như thế đủ níu chân khách dừng lại. Mà ở Thuận Nghĩa những điều này đã có, nay người dân chỉ cần làm đẹp thêm mà thôi.
Kết hợp hoạt động du lịch với trải nghiệm cuộc sống làng rau chính là yếu tố then chốt để phát triển du lịch bền vững ở Thuận Nghĩa.
Trong khi đó, với niềm thích thú sau khi dạo qua Thuận Nghĩa, bà Trương Thị Kim Loan, Trưởng phòng kinh doanh của Saigontourist Quy Nhơn, cho biết, việc dẫn khách đến không khó, mà thu hút khách ở lại mới là điều quan trọng. Và chính tình cảm quý mến của người dân là yếu tố then chốt để khách muốn lưu lại nơi này. Bà Loan lấy chính trải nghiệm của mình để chia sẻ tại hội nghị, khi lần thứ 2 bà trở lại Thuận Nghĩa cũng trúng ngày mưa. Mưa, dĩ nhiên cảnh vật không rực rỡ như ngày nắng, nhưng lại có được cảm giác ấm áp khi gặp những người dân ở trong làng. “Bạn có tin không, tôi vừa gõ cửa một ngôi nhà bên kia, xin nhờ chế tô mì tôm cho bữa trưa muộn. Tô mì nóng hổi, thơm phức có rất nhanh đã là một điều bất ngờ, chị chủ nhà còn nhiệt tình mời thêm trái chuối vườn nhà chín cây tráng miệng! “Sao mà đáng yêu thế cơ chứ! Tôi hứa sẽ kể câu chuyện này với khách của Saigontourist khi mời họ về Thuận Nghĩa”- bà Loan hồ hởi chia sẻ.
Tại hội nghị, bà Huỳnh Thị Kim Bình, Giám đốc Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch, cho biết, Trung tâm sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân Thuận Nghĩa trong việc phát triển du lịch, tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn kỹ năng cơ bản để người dân làm quen...
Ông Quách Văn Cầu, Giám đốc HTXNN Thuận Nghĩa, cho biết, đây sẽ là cuộc đổi thay lớn thứ hai trên quê hương ông. Lần thứ nhất đó là sự thay đổi trong sản xuất khi nông dân Thuận Nghĩa chuyển từ sản xuất rau truyền thống sang sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Lần này là gắn kết đời sống kinh tế, sinh hoạt cộng đồng với du lịch để mang lại những điều tốt đẹp cho Thuận Nghĩa. Ông Cầu chia sẻ bằng niềm vui toát lên từ ánh mắt, nụ cười và có lẽ những người dân Thuận Nghĩa cũng đều có chung niềm vui như thế.
THU DỊU