Giải “khát” vốn vay giải quyết việc làm
Nghị định số 74/2019/NÐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NÐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm có hiệu lực vào ngày 8.11.2019. Ngân hàng CSXH Việt Nam bổ sung thêm 30 tỷ đồng cho Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh thực hiện chương trình cho vay Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Với hai nét mới này, người dân Bình Ðịnh phần nào được giải “cơn khát” vốn vay giải quyết việc làm.
Anh Trường (thứ hai từ phải sang) và mẹ chia sẻ với Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tuy Phước, tổ tiết kiệm và vay vốn về việc sử dụng vốn vay GQVL.
Mong tăng vốn
Theo báo cáo của Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh, 10 tháng đầu năm, doanh số cho vay chương trình tín dụng giải quyết việc làm (GQVL) trong tỉnh hơn 45 tỷ đồng với 1.390 hộ. Tổng dư nợ từ chương trình tín dụng này hơn 141,5 tỷ đồng.
Thông qua chương trình tín dụng GQVL, nhiều đối tượng lao động yếu thế, như: Người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, lao động có hoàn cảnh khó khăn... đã được hỗ trợ để phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần tạo và tự tạo việc làm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Anh Trương Văn Trường, 41 tuổi, ở thôn Vân Hội 2, thị trấn Diêu Trì, huyện Tuy Phước, vay vốn GQVL vào tháng 5.2019. Là thợ xây, anh Trường dành toàn bộ 20 triệu đồng vốn vay để đầu tư mua giàn giáo, cốp pha cho thuê, tự phục vụ cho công trình xây dựng do nhóm thợ của mình đảm nhận.
Anh chia sẻ: “Mẹ tôi từng vay vốn hộ nghèo để đầu tư chăn nuôi, buôn bán nuôi con. Năm 2013, gia đình tôi thoát nghèo. Năm nay, được tạo điều kiện vay vốn GQVL, sắm thêm giàn giáo, cốp pha, tôi có thêm điều kiện để làm nghề. Tôi mong được vay với số vốn lớn hơn bởi với số tiền 20 triệu đồng, số lượng giàn giáo, cốp pha ít, không đủ để thực hiện các công trình đòi hỏi phải đổ trần bê tông”.
Theo chị Huỳnh Thị Sằn, Chủ tịch Hội LHPN thị trấn Diêu Trì, các tổ tiết kiệm và vay vốn phụ nữ trên địa bàn đều phản hồi rằng nhu cầu vay vốn GQVL của hộ dân rất cao. “Hộ mới thoát nghèo, còn có hoàn cảnh khó khăn, hầu hết đều cần sự trợ lực từ đồng vốn vay tín dụng ưu đãi để đầu tư làm ăn, phát triển kinh tế. Tất cả họ chỉ có thể tiếp cận nguồn vốn vay GQVL nhưng nhiều năm qua, vốn vay không đủ để đáp ứng nhu cầu vay của người dân”, chị Sằn trao đổi thêm.
Nhiều điểm mới
Mới đây, Ngân hàng CSXH Việt Nam đã bổ sung chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2019 đối với chương trình cho vay Hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh là 30 tỷ đồng. Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đã tham mưu cho Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm 2019 cho các đơn vị trực thuộc. Đây được xem là động thái tích cực, phần nào đáp ứng nhu cầu vốn vay GQVL của người dân.
Bên cạnh đó, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2015/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm chính thức có hiệu lực vào ngày 8.11.2019 với nhiều điểm mới. Nếu Nghị định số 61 quy định mức vay 1 dự án tối đa là 1 tỷ đồng và không quá 50 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm thì Nghị định 74 điều chỉnh mức vay tối đa lên 2 tỷ đồng/dự án và không quá 100 triệu đồng cho 1 người lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Đối với người lao động, mức vay tối đa đã được nâng lên 100 triệu đồng thay cho mức cũ là 50 triệu đồng.
Thời hạn vay vốn tối đa nâng lên 120 tháng thay cho 60 tháng như trước. Lãi suất vay vốn được điều chỉnh theo hướng tăng từ bằng lãi suất cho vay đối với hộ nghèo lên bằng lãi suất vay vốn đối với hộ cận nghèo. Điều kiện bảo đảm tiền vay đối với mức vay từ 100 triệu đồng trở lên, cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có tài sản bảo đảm tiền vay theo quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm.
Ngoài ra, Nghị định số 74/2019/NĐ-CP cũng sửa đổi một số nội dung khác liên quan đến điều kiện bảo đảm tiền vay đối với người lao động vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; huy động nguồn vốn để cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng...
Thông tin từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tuy Phước, một tuần sau khi Nghị định số 74/2019/NĐ-CP có hiệu lực, Phòng Giao dịch đã giải ngân 3,3 tỷ đồng trong tổng số 3,9 tỷ đồng vốn vay GQVL được phân bổ mới. Các điểm giao dịch sau ngày 8.11 như xã Phước Quang giải ngân 470 triệu đồng cho 22 hộ; xã Phước Hưng giải ngân 340 triệu đồng cho 11 hộ; xã Phước Sơn 310 triệu đồng cho 12 hộ.
Ông Nguyễn Hoàng Nhất Nam, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Tuy Phước, cho biết thêm: “Đối với các điểm giao dịch đã mở trước ngày 8.11, Phòng Giao dịch sẽ mở phiên giao dịch bổ sung để đảm bảo giải ngân vốn vay theo quy định mới, đáp ứng nhu cầu của bà con. Hiện tại, chúng tôi vẫn đang ưu tiên giải ngân vốn cho các hộ đã thoát nghèo mà còn khó khăn để giúp họ vươn lên, giảm nghèo bền vững”.
NGUYỄN MUỘI