Sáng tác ca khúc cho thiếu nhi: Những tín hiệu vui
Vài năm gần đây, mảng sáng tác âm nhạc dành cho thiếu nhi ở Bình Ðịnh bắt đầu có những tín hiệu vui…
Với nghệ sĩ điêu khắc Lê Trọng Nghĩa, giảng viên mỹ thuật tại Trường CĐ Bình Định, âm nhạc luôn chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống sáng tác của anh. Cách đây 2 năm anh bắt đầu dành sự quan tâm đặc biệt cho thiếu nhi sau khi 2 ca khúc phổ thơ Phạm Hổ của anh được phản hồi tích cực. Từ đó, sáng tác của anh về thiếu nhi ngày một dày hơn. Lê Trọng Nghĩa trải lòng: “Tại trường tôi dạy mỹ thuật cho các em sinh viên sư phạm mầm non nên có dịp hiểu hơn về ngành học này. Các em sinh viên phải học thuộc lòng nhiều bài thơ dành cho trẻ con, điều này khá là khó, khi phổ nhạc các em sẽ nhớ dễ dàng hơn. Tôi lại có con nhỏ nên cứ thế tôi dành một khoảng thời gian để viết nhạc thiếu nhi. Sang năm tôi sẽ làm 1 tập nhạc thiếu nhi với khoảng 40 ca khúc để kỷ niệm và gửi tặng các bé. Tôi nghĩ được sống hòa mình với trẻ con là điều kiện tốt để tôi bắt đầu viết nhạc cho các cháu”.
Sáng tác ca khúc cho thiếu nhi phải điều chỉnh âm vực không cao không thấp phù hợp với các bé, lời bài hát phải giản dị, trong sáng phù hợp với tâm lý, nhận thức của trẻ.
- Trong ảnh: Liên hoan tiếng hát tuổi thơ cấp tỉnh năm 2018.
Đặc trưng của ca khúc dành cho thiếu nhi là phải ngắn gọn, thường chỉ khoảng vài ba câu, ngôn từ trong sáng, nhẹ nhàng. Khi cất tiếng ca các bé vừa hát vừa vỗ tay là đã có không khí. Chính vì sự tối giản như vậy nên viết sao để các bé chấp nhận, “thấy được” hoàn toàn không dễ. Âm nhạc nói chung và nhạc thiếu nhi nói riêng phải có sức lay động tâm hồn, nó như một tiếng chuông nhỏ đánh khẽ vào tâm hồn để tạo sự đồng cảm, yêu thương. Có lẽ vì thế phổ thơ là một cách được nhiều nhạc sĩ chọn. “Ngoài phổ thơ, tôi còn phổ những câu đồng dao, câu vè để ngoài ý nghĩa giáo dục còn phần nào giúp các em gần gũi hơn với văn học dân gian!” - anh Nghĩa chia sẻ.
Ngoài phù hợp với chương trình, nhà trường còn ưu tiên dạy cho các bé những bài hát phù hợp đặc điểm của địa phương. Do đó, hàng năm, giáo viên sẽ chủ động sưu tầm các bài hát mới, phù hợp với các cháu. Ðiểm đáng mừng là thời gian gần đây ngày càng có nhiều bài hát hát thiếu nhi để tìm kiếm, lựa chọn, các bài hát làn điệu quen thuộc, mang âm hưởng gợi nhớ đến quê hương bắt đầu nhiều hơn và được các cô ưu tiên phổ biến đến các cháu”- Bà Nguyễn Thị Trâm, Hiệu trưởng Trường mầm non huyện An Lão, chia sẻ.
Là một trong số ít những nhạc sĩ đã gắn bó nhiều năm với dòng nhạc thiếu nhi, nhạc sĩ Trần Ngọc Sơn từng nhiều lần đạt giải “Tác phẩm mới” trong liên hoan Búp sen hồng với những ca khúc thiếu nhi như: Theo nhịp võng đưa (năm 2011), Ơn thầy em mãi khắc ghi, Con suối nhỏ (năm 2017). Nhạc sĩ Trần Ngọc Sơn trăn trở nhiều về dòng nhạc thiếu nhi hiện nay. Anh tâm sự: “Tôi có trực tiếp xem nhiều chương trình, cuộc thi ca hát thiếu nhi, có nhiều trường hợp các em hát những ca khúc không phù hợp với lứa tuổi của mình. Tôi đang dành sự ưu tiên cho dòng nhạc này và trong thời gian sắp tới sẽ giới thiệu đến bạn bè và người yêu thích âm nhạc những sáng tác về thiếu nhi, có thể sẽ in thành một tập tuyển ca khúc dành riêng cho thiếu nhi”.
Nhạc sĩ Lý Anh Võ, một người có gần 30 ca khúc nhạc thiếu nhi, nhạc phổ thơ về thiếu nhi nhận định: “Viết cho thiếu nhi dễ mà khó. Dễ vì chỉ cần vài câu hát đã thành bài. Khó vì phải điều chỉnh âm vực không cao không thấp phù hợp với các bé. Lời bài hát phải giản dị, trong sáng phù hợp với tâm lý, nhận thức của trẻ. Tiết tấu bài hát phải lay động tạo giai điệu reo vui. Để viết tốt nhạc thiếu nhi, người nhạc sĩ phải bước vào thế giới của trẻ, phải đồng hành làm bạn cùng trẻ. Không thể dùng sự tri nhận của người lớn mà áp đặt vào trẻ nhỏ sẽ làm bài hát dễ sa vào khô cứng, mất tự nhiên, thậm chí giáo điều”.
Nhạc sĩ Vũ Thành, Chi hội trưởng Chi hội Âm nhạc (Hội VHNT tỉnh) cho biết: “Vấn đề sáng tác cho thiếu nhi đã được chúng tôi thảo luận nhiều lần. Mảng sáng tác này kén người viết nhưng không phải vì thế mà “thấy khó bỏ qua”. Tôi nghĩ “đông tay thì vỗ nên kêu”, đã có một số ca khúc tốt đến được với các cháu. Sắp đến, chúng tôi sẽ tiếp tục tạo dựng những hoạt động, phong trào thiết thực đẩy mạnh việc sáng tác ở mảng nhạc còn nhiều khoảng trống này, có thể chúng tôi sẽ đến với các cháu nghe các cháu hát các ca khúc của mình, đàn hát cho các cháu nghe, trò chuyện với các cháu về âm nhạc và quê hương. Tôi hy vọng như thế sẽ truyền cảm hứng cho các cháu và cả cho chúng tôi”.
THẢO KHUY - BẢO NHI