Sản phẩm truyền thống vào mùa Tết
Còn hơn 2 tháng nữa mới đến Tết Canh Tý nhưng nhiều làng nghề bánh cốm, bánh nổ, bánh tráng, bún gạo, hải sản khô… đã nhộn nhịp chuẩn bị hàng. Một số sản phẩm mới, nhấn mạnh đến yếu tố an toàn sức khỏe sớm ra mắt để khách hàng làm quen.
Các sản phẩm truyền thống của huyện Hoài Nhơn có nhiều thay đổi mẫu mã, bao bì, mã vạch thu hút khách.
Thời điểm này, các cơ sở sản xuất bánh kẹo, bánh tráng, bún khô… ở các huyện Hoài Nhơn, Phù Cát, Hoài Ân và TX An Nhơn đang làm việc hết công suất để đáp ứng đủ nhu cầu của khách hàng. Hầu hết các cơ sở đều dự tính tăng sản lượng từ 10 - 20% so với năm ngoái.
Sau nhiều năm chịu bất lợi do thời tiết cuối năm thường xuyên có mưa, những sản phẩm có công đoạn hong phơi ngoài trời gần như không thể sản xuất được, năm nay, nhiều cơ sở đã đầu tư lắp đặt máy sấy. Chị Mai Thanh Hương, Chủ nhiệm HTX sản xuất kinh doanh hải sản Thanh Hương, xã Nhơn Lý, TP Quy Nhơn cho biết: “Chúng tôi đầu tư máy sấy để sấy mực và các loại cá một nắng. Máy sấy giúp giảm 50% công lao động, giảm tỷ lệ hao hụt thành phẩm, nhưng điểm cần thiết nhất là không còn lệ thuộc thời tiết, đồng thời nâng cao mức độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ máy sấy, HTX mạnh dạn nhận đơn đặt hàng phục vụ tết gấp 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái”.
Cùng với việc đầu tư các loại máy móc, xây dựng thương hiệu sản phẩm, các cơ sở sản xuất tại nhiều làng nghề trong tỉnh đã nghiêm túc đầu tư thuê thiết kế nhãn mác, bao bì, thiết lập hệ thống truy xuất xứ thông qua mã vạch. Nhờ vậy nhiều sản phẩm thủ công truyền thống không chỉ đứng vững ở thị trường nhiều tỉnh thành mà còn có mặt khá dày ở các hệ thống siêu thị như Co.opmart, BigC...
Chị Hà Thị Hương, chủ cơ sở sản xuất bún Cô Phương ở khu An Phong, thị trấn Ngô Mây, huyện Phù Cát cho biết: “Mỗi ngày, cơ sở sản xuất 3 tạ bún gạo, phở khô theo quy trình sản xuất đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Sản phẩm có logo, mã vạch để khách hàng có thể truy được xuất xứ. Không chỉ cung ứng cho thị trường trong tỉnh, bạn hàng còn đưa sản phẩm của cơ sở đi khắp mọi miền đất nước. Dự tính, sản lượng phục vụ Tết Canh Tý sẽ cao gấp đôi so với năm ngoái”.
Không khí chuẩn bị hàng tết ở Công ty TNHH Sachi Nguyễn cũng rất nhộn nhịp. Anh Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Công ty đang gấp rút đưa hệ thống máy móc sản xuất tự động khép kín vào hoạt động. Anh Vinh cho biết: “Còn 10 ngày nữa là hệ thống máy sản xuất bánh tráng của chúng tôi chính thức đi vào hoạt động. Với hệ thống này, chúng tôi hết phụ thuộc vào thời tiết, sản xuất sản phẩm ổn định về chất lượng, có thể đáp ứng mọi yêu cầu về quy cách sản phẩm của khách hàng. Tết năm nay, công ty cho ra mắt sản phẩm mới là bánh tráng nước dừa vị ruốc biển Tam Quan, bánh tráng nước dừa vị rong biển”.
Hiện nay, Công ty TNHH Sachi Nguyễn tất bật sản xuất các loại bánh tráng gạo, bánh tráng mè. Các sản phẩm này được đóng gói với nhiều kích cỡ, trọng lượng, có cả bánh nướng sẵn ăn liền và bánh sống. Mỗi sản phẩm, thông tin về nguồn gốc xuất xứ đầy đủ để đáp ứng đúng, đủ yêu cầu của siêu thị trong và ngoài tỉnh. Phần nhãn mác còn được in sẵn song ngữ Việt - Anh để các cửa hàng đặc sản, siêu thị dễ chào bán cho khách nước ngoài.
Theo một số cơ sở sản xuất bánh nổ, bánh cốm, bánh hồng… ở Hoài Nhơn, Phù Cát thì năm nay giá cả tăng từ 5 - 10% so với năm ngoái. Ví dụ bún khô có giá 20.000 đồng/kg thì nay tăng 23.000 đồng/kg; bánh cốm 10.000 đồng/bì nay tăng 11.000 đồng/bì, bánh hồng 70.000 đồng/hộp nay tăng 76.000 đồng/hộp… Tuy giá tăng nhưng sản phẩm có logo, nhãn hiệu và giữ vững chất lượng nên các thương lái tìm đặt hàng cao hơn trước. Bên cạnh đó, hệ thống siêu thị Co.opmart, Big C, MM Mega Market đã đặt hàng hơn 10 cơ sở sản xuất sản phẩm truyền thống ở tỉnh như bánh cốm Phong Nga, bánh tráng Ngọc An, rượu Bầu Đá… phục vụ thị trường Tết.
HẢI YẾN