Ðảm bảo cây giống cho vụ trồng rừng mới
Thời điểm này, các chủ rừng trong tỉnh đã bước vào vụ trồng rừng mới. Cùng với việc hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc rừng trồng, công tác quản lý cây giống lâm nghiệp đảm bảo chất lượng luôn được ngành Lâm nghiệp quan tâm.
Công nhân Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn gom cây giống keo lai giâm hom để chuyển cho khách hàng.
Cả tỉnh hiện có 143 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp, với tổng năng lực sản xuất khoảng 200 triệu cây giống/năm. Trong số này, có 3 DN sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô với năng lực khoảng 26 triệu cây/năm.
Trong kế hoạch năm 2019, Công ty TNHH Lâm nghiệp Quy Nhơn trồng 360 ha rừng; trong đó trồng 40 ha rừng môi trường cảnh quan, rừng thay thế, còn lại là rừng sản xuất. Đến nay, công ty đã trồng được 260 ha rừng và sản xuất 5 triệu cây giống lâm nghiệp (3 triệu cây cấy mô, 2 triệu cây giâm hom) cung cấp thị trường trong và ngoài tỉnh. Ông Hoàng Hà Giang, Phó Giám đốc Công ty, cho biết: “Năm nay, số lượng cây giống của công ty sản xuất chỉ đủ đáp ứng theo kế hoạch trồng rừng của đơn vị và cung cấp cho khách hàng đã đặt hàng trước đó. Để đảm bảo nâng cao chất lượng cây giống, chúng tôi hợp tác với Viện nghiên cứu giống và công nghệ sinh học Lâm nghiệp sản xuất giống cấy mô”.
Tương tự, Công ty TNHH Vũ Hà đã sản xuất và cung ứng ra thị trường 5 triệu cây giống giâm hom, 1,5 triệu cây cấy mô các loại. “Mặc dù nhu cầu về cây giống của khách hàng trong và ngoài tỉnh tăng, nhưng chúng tôi chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng và bán với giá theo quy định của ngành Lâm nghiệp tỉnh là 600 đồng/cây keo giâm hom, 1.700 đồng/cây cấy mô. Giống cây khi công ty nhập về được cán bộ ngành Lâm nghiệp thường xuyên kiểm tra về nguồn gốc, chất lượng”, ông Hà Văn Quân, Giám đốc công ty, cho biết.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh (Sở NN&PTNT), kế hoạch năm 2019, toàn tỉnh trồng mới khoảng 8.500 ha rừng. Hiện, cả tỉnh đã trồng hơn 3.100 ha rừng (hơn 116 ha rừng phòng hộ, gần 3.000 ha rừng sản xuất).
DNTN Dịch vụ cây trồng Nguyên Hạnh cũng đã sản xuất khoảng 7 triệu cây giống, trong đó có hơn 3 triệu cây cấy mô, để cung ứng cho khách hàng. Ngoài việc sản xuất giống keo lai giâm hom không sử dụng túi bầu giúp khách hàng giảm chi phí vận chuyển, bảo vệ môi trường, Công ty còn sản xuất giống cấy mô, gồm: Keo lai, keo lá tràm, bạch đàn lai.
Nhiều hộ dân trồng rừng trong tỉnh cũng đã đặt hàng mua cây giống lâm nghiệp để đảm bảo diện tích trồng rừng thay thế. Ông Hà Đức Độ, một chủ rừng ở xã Bình Tân (huyện Tây Sơn), chia sẻ: “Tôi có 15 ha rừng và đã khai thác gần 3 ha keo lai từ 6 - 7 năm tuổi. Sau khi khai thác, tôi đã đặt cọc mua hơn 15.000 cây giống keo lai giâm hom của các công ty có uy tín, nên có đủ số lượng cây giống để trồng. Tháng sau, tôi sẽ đào hố, bón phân và trồng lại rừng trên diện tích đã khai thác”.
Đến nay, toàn tỉnh đã sản xuất hơn 130 triệu cây giống; trong đó giống keo lai giâm hom chiếm 90%, còn lại là giống cây mô, cây bản địa. Ông Nguyễn Đình Lâm, Trưởng phòng Sử dụng và phát triển rừng (Chi cục Kiểm lâm tỉnh), cho biết: Theo quy định tại Thông tư 30 của Bộ NN&PTNT về quản lý chất lượng cây giống lâm nghiệp thì Chi cục Kiểm lâm chỉ quản lý nguồn gốc giống cây, các cơ sở sản xuất tự công bố và tự chịu trách nhiệm về cây giống theo quy định. Để đảm bảo chất lượng rừng trồng của tỉnh, trước vụ trồng rừng, Chi cục phối hợp với phòng NN&PTNT các huyện tăng cường công tác kiểm tra nguồn cây giống của các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây lâm nghiệp theo quy định. Nhìn chung vụ trồng rừng năm nay, các cơ sở sản xuất cây giống đã cơ bản đáp ứng đủ số lượng cây giống phục vụ nhu cầu trồng rừng trong tỉnh.
ÐOÀN NGỌC NHUẬN